Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Cổ phiếu dệt may khởi sắc nhờ đâu?

NDH | 19/09/2018

Nhiều cổ phiếu dệt may bứt phá mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường chung còn gặp nhiều khó khăn.

 

Cổ phiếu dệt may đã trải qua khoảng thời gian giao dịch èo uột do ảnh hưởng từ thị trường chung. Tuy nhiên, trong khoảng 1 đến 2 tháng qua cổ phiếu dệt may đã có sự tăng trưởng ấn tượng cùng thời điểm với diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở nên gay gắt.

Tính từ đầu tháng 7/2018, thống kê khoảng 11/13 cổ phiếu dệt may đang giao dịch trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM tăng trưởng dương trong đó có 4 cổ phiếu tăng giá trên 20%.

Còn nếu tính từ đầu tháng 8/2018, thì có 5 cổ phiếu trong tổng số 13 cổ phiếu dệt may tăng trên 20%. Trong đó, TCM tăng 50% chỉ trong 1 tháng giao dịch.

Đà tăng của cổ phiếu dệt may trong thời gian qua do nhà đầu tư kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Theo nhận định mới đây của BVSC, các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia... sẽ được hưởng lợi khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Năm 2017, Mỹ là thị trường XK dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD (tương đương gần 50% tổng XK hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới). Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8-10%. Ngành dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại nhờ hai khía cạnh.

Thứ nhất, là đồng NDT mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Thứ hai, là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn cũng như thu hút được thêm vốn đầu tư FDI, từ đó giúp xuất khẩu tăng, nhiều việc làm mới được tạo ra.

Còn theo VDS, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc cũng là một điểm tích cực đối với ngành dệt may. Do quốc gia này đang mất dần những ưu thế cạnh tranh về chi phí sản xuất (giá nhân công, vấn đề môi trường) trong vài năm gần đây khiến các nhà sản xuất thế giới dần dịch chuyển đơn hàng sang thị trường Việt Nam. Đơn cử tại thị trường Mỹ, năm 2018, tốc độ chuyển dịch này đã tăng lên nhanh chóng do những lo ngại về rủi ro của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. VDSC cho rằng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giúp gia tăng sản lượng đơn hàng xuất khẩu.

Tuy vậy, việc kỳ vọng của nhà đầu tư trên có quá sớm. Cũng theo báo cáo của BVSC, quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ vì đối với các Tập đoàn đa quốc gia, sản xuất tại Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn nhất định, nhất là đối với các phân phúc cần trình độ nhân công cao dù mức lương tại đây đang có xu hướng tăng. Đối với các doanh nghiệp dệt may, điển hình như TCM, GMC chiến tranh thương mại chắc chắn mang lại thuận lợi nhưng mức độ có thể sẽ không quá đột biến. Lý do là các doanh nghiệp này hiện đã chạy hết công suất cũng như chưa có kế hoạch đầu tư thêm trong ngắn hạn. Nếu lấy thêm được đơn hàng từ Mỹ, các doanh nghiệp này cũng sẽ phải thuê gia công bên ngoài và chấp nhận mức biên lợi nhuận thấp hơn.

Một nguyên nhân khác cũng được cho là hỗ trợ tốt đối với các cổ phiếu dệt may đó triển vọng của ngành này trong nước đang khá tích cực nhờ xu thế hồi phục nhu cầu ngành dệt may thế giới cùng với đó là lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. CPTPP quy định thuế suất hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm, Việt Nam có thể nới lỏng đến 10 năm. Như vậy, thuế suất vào các thị trường xuất khẩu giảm, sẽ giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao đồng thời nâng cao sức cạnh tranh. Theo VDS, CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến ngành dệt may khi 2 hiệp định này có hiệu lực từ năm 2019.

Thực tế cho thấy, KQKD của nhóm cổ phiếu dệt may tiếp tục có sự tích cực. Trong bối cảnh ngành khả quan, đơn hàng dồi dào, một vài doanh nghiệp dệt may đã công bố kết quả kinh doanh tháng 7 và 8 đạt mức cao, báo hiệu cho một quý III bội thu. CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cho biết trong tháng 8, doanh thu thuần đạt khoảng 19,75 triệu USD. Lợi nhuận sau thuế khoảng 1,66 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, doanh thu TCM đạt 105 triệu USD (tương đương 2.467,5 tỷ đồng), thực hiện 80% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế khoảng 7,9 triệu USD (tương đương 185,65 tỷ đồng), thực hiện 100% kế hoạch năm.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) công bố tháng 8 có đột phá về doanh thu khi đạt 459 tỷ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong tháng 8 đạt 27 tỷ đồng. Cộng thêm khoản lợi nhuận ròng 23,6 tỷ tạo ra trong tháng 7 thì chỉ mới 2 tháng của quý III, TNG đã đạt lợi nhuận vượt kết quả thực hiện trong quý I (21,7 tỷ) và quý II (45 tỷ) với hơn 50 tỷ đồng.

Bình An

Tin khác »