Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Cổ phiếu dệt may "ngược dòng" tình hình kinh doanh

DDDN | 25/05/2018

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong gần nửa đầu năm 2018 đều cho những tín hiệu khả quan, nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này lại phản ánh chiều ngược lại.

 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 34,2 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2017. Thực tế, riêng quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 7,8 tỷ USD, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam là hai thị trường Mỹ và EU với lần lượt 3,1 tỷ USD và 1,1 tỷ USD, tương đương 35%. Thị trường Mỹ và EU ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 13,21% và 0,09%, cũng vượt hơn hẳn mức dự báo cho cả năm.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đủ đơn hàng cho hết quý II/2018 và thậm chí nhiều doanh nghiệp có đơn hàng hết quý III/2018.

Với diễn biến thuận lợi đó nhiều doanh nghiệp dệt may báo kết quả kinh doanh với nhiều tín hiệu khả quan nhưng giá cổ phiếu lại xem chứng có dấu hiệu chững lại. Đầu tiên có thể kể đến là CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (MCK: TCM) thông báo doanh thu đến hết tháng 5/2018 được dự báo đạt 60 triệu USD, tương đương với 47% kế hoạch năm 2018. Với tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì khoảng 18% thì công ty đạt lợi nhuận gộp 10,8 triệu USD.

Ước tính lũy kế 4 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 1.055 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 85 tỷ đồng, thực hiện 33% kế hoạch doanh thu và 45% kế hoạch lãi ròng. Nhưng cổ phiếu TCM lại giảm 24% từ 26.500 đồng/cp về 20.000 đồng/cp.

Tiếp theo là CTCP Everpia (MCK: EVE) báo cáo quý I/2018 đạt doanh thu thuần 234,7 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 20,4 tỷ đồng, tăng trưởng 127%. Theo lý giải của công ty, cả 3 mảng kinh doanh chăn gia, bông tấm và khăn đều khởi sắc. Cụ thể, hiệu ứng từ các chương trình tiếp thị chăn ga đã thực hiện từ năm 2017 và thời tiết tương đối thuận lợi, mảng bông tấm phục hồi tốt với số lượng đơn hàng tăng trưởng đến 20%, mảng khăn bắt đầu đi vào quỹ đạo sinh lời sau khi nhận chuyển nhượng từ Texpia. Tuy nhiên, giá cổ phiếu EVE lại giảm từ 19.200 đồng/cp về 17.500 đồng/cp.

Ngoài ra cũng phải kể đến Tập đoàn Dệt May Việt Nam (MCK: VGT) báo cáo lãi ròng quý đầu năm tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng thêm 504 tỷ đồng, ứng mức tăng 13% lên 4.399 tỷ đồng là động lực chính cho đà tăng trưởng lợi nhuận.

VGT cho biết một số dự án đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 như nhà máy sợi Nam Định, nhà máy sợi Phú Cường đã đi vào ổn định sản xuất kinh doanh và từ quý I/2018 bắt đầu có lãi. Một số đơn vị trong tập đoàn trong quý đạt lãi tăng so với cùng kỳ năm trước như Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (tăng 28 tỷ đồng), Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (tăng 13,3 tỷ đồng) và Tổng công ty Dệt may Miền Nam (giảm lỗ 19 tỷ đồng).  Kết quả kinh doanh khả quan như vậy nhưng cổ phiếu VGT chỉ tăng nhẹ từ 10.730 đồng/cp lên 11.800 đồng/cp.

Mặc dù vậy, nhưng nhóm cổ phiếu dệt may trong năm nay dự kiến sẽ được các nhà đầu tư chú ý hơn, đặc biệt sau khi CPTPP đã được ký kết. Một trong những nội dung quan trọng của CPTPP là xóa bỏ từ 95-98% các dòng thuế quan ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5 -7 năm. Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may.

Để tận dụng được những điều khoản có lợi từ CPTPP, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp ngành nguyên phụ liệu và ngành may xuất khẩu để nâng cao tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu nội địa, đáp ứng điều kiện được ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần sớm xây dựng, hoàn chỉnh bộ quy chế kỹ thuật về chất lượng, an toàn, lao động của ngành dệt may, phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu kỹ các nội dung, quy định trong CPTPP để khắc phục những thách thức và tận dụng tốt mọi cơ hội mở rộng thị trường.

Nguyễn Long

Tin khác »