Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Giá điện tăng ảnh hưởng thế nào đến lạm phát năm 2017?

DDDN | 13/12/2017

Theo thông báo của Bộ Công Thương, từ ngày 1/12/2017, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Sự điều chính giá điện đã khiến dư luận lo ngại sẽ tác động bất cập đến đời sống, đến lạm phát cả năm 2017. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại không cho là như vậy.

 

Theo một số chuyên gia kinh tế, do giá điện ở nước ta được duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài nên việc điều chỉnh giá theo thị trường cạnh tranh, dựa trên các yếu tố đầu vào tăng là vừa để thu hút đầu tư vào ngành điện, vừa giúp chính các doanh nghiệp cân đối, tiết kiệm trong sản xuất.

Còn bao cấp về giá sẽ không có động lực cải cách

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM), nếu bán điện thấp hơn giá thành thì sẽ “quá tầm với” của các nhà đầu tư nhân khiến họ không thể đầu tư được.

Vị chuyên gia này nêu thực tế: Giá bán điện cho sản xuất thép và xi măng thấp hơn giá bán điện cho người dân (điện sinh hoạt đời sống). Điều này cho thấy khu vực sử dụng nhiều điện lại được hưởng giá điện rẻ. Vì thế, nếu ta khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm thì phải đưa giá bán về mức cạnh tranh. Làm như vậy sẽ buộc doanh nghiệp sản xuất phải tái cơ cấu. Còn nếu “bao cấp” về giá sẽ làm mất đi (hoặc làm giảm) động lực cải cách.

Trong 3 năm qua, Nhà nước cố gắng giữ giá điện để không tăng giá hàng hóa trong nền kinh tế. Nhưng nếu giữ mãi như thế thì không ai muốn tiếp tục đầu tư vào điện, dẫn đến mất cân đối cung cầu năng lượng. Vì vậy, nâng giá bán điện để thu hút nhà đầu tư là điều hợp lý.

Không chỉ vậy, ông Lê Đăng Doanh còn so sánh giá bán điện thấp chỉ có lợi cho điện sử dụng than còn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) chịu thiệt vì chi phí đầu tư năng lượng tái tạo đắt hơn. Điều này cũng cho thấy bất cập trong chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Chuyên gia này khẳng định, nếu lộ trình tăng giá điện không được thực hiện, sẽ khiến chúng ta không thu hút được đầu tư mới vào ngành điện. Đây là vấn đề đỏi hỏi chúng ta phải giải quyết.

Vì sao chọn tháng 12 để tăng giá điện?

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng giá điện thời điểm này là phù hợp, bởi gần 3 năm qua, giá điện không tăng, trong khi đó giá đầu vào như than, dầu, tỷ giá hối đoái đã được điều chỉnh... Việc tăng giá điện nhằm bù đắp với việc tăng giá đầu vào là hợp lý.

Còn chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), lần tăng giá điện gần đây nhất là từ tháng 3/2015, tức là cũng đã gần 3 năm. Trong 3 năm đó, năm 2015 lạm phát 0,6%, năm 2016 là 4,74%, năm 2017 dự kiến là 4%. Như vậy, có thể thấy giá điện tăng thấp hơn tốc độ tăng giá trung bình của các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Nếu doanh nghiệp sử dụng điện là đầu vào, trong 3 năm qua, giá bán hàng hóa của tăng mức trung bình, tức là bằng lạm phát. Như vậy, rõ ràng là tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá bán đang giảm.

Theo ông Đức, việc chọn tháng 12 để tăng giá là vì mục tiêu lạm phát 4% có thể tác động nhất định đến những doanh nghiệp đang sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết của người dân. Tuy nhiên, phương án tăng giá điện có thể đã được tính toán từ đầu năm. Nghĩa là việc Chính phủ chọn thời điểm này để tăng giá điện khi mà mục tiêu lạm phát dưới 4% đã “nằm trong lòng bàn tay”.

Hùng Dũng

Tin khác »