Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Tăng thuế VAT, doanh nghiệp “ngắc ngứ”?

TBKD | 17/08/2017

Hơn nửa triệu doanh nghiệp (DN ) được cho là sẽ chịu tác động trong những năm tới từ việc có thể tăng mức thuế VAT lên 12% như đề xuất mới đây của Bộ Tài chính trong bối cảnh nợ công cao cần phải bù đắp. Khi chính sách thuế có thay đổi theo chiều hướng tăng thu thì vấn đề đặt ra là sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của DN và có giúp cho tăng trưởng kinh tế hay không?

 

Nói về đề xuất nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) thông thường từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, bên cạnh vấn đề bù đắp nợ công, theo lý giải của Bộ Tài chính, là nhằm cơ cấu lại nguồn thu bằng cách tăng cường nguồn từ thuế gián thu.

Cũng theo Bộ Tài chính, thay vì chịu mức thuế thông thường là 10%, hiện có 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ chỉ chịu thuế 5%, sẽ không bảo đảm bình đẳng giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

Càng tăng, càng căng

Xoay quanh chuyện tăng thuế VAT này, một chủ DN chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh rằng nếu tăng thuế thì khả năng giá cả sẽ còn tăng nhanh hơn cả mức thuế. Điều này rõ ràng sẽ không tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như mục tiêu đề ra là cả nước đạt 1 triệu DN vào năm 2020. Nhất là khi nhiều DN còn vật vã gồng mình vì nhiều khoản thuế phí.

Còn nếu nói rằng việc tăng thuế VAT để bù vào chuyện nợ công tăng cao, chi tiêu công tràn lan thì càng khó thuyết phục. Tại sao Nhà nước không giảm chi mà lại tăng thu? Liệu việc tăng thuế chỉ giải quyết tạm thời trước mắt cho ngân sách nhưng đồng thời nó cũng làm mất đi động lực phát triển của xã hội.

Trong khi Bộ Tài chính cho rằng xu thế tăng thuế suất VAT diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, thì theo đánh giá của giới chuyên gia, mức thuế tổng hay mức thuế hữu hiệu mà DN Việt Nam phải chịu tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2015, các DN Việt Nam phải chịu mức thuế hữu hiệu, tính bằng tổng mức thuế và phí DN phải gách chịu trên mức lợi nhuận, cao hơn so với mức trung bình của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, mức này ở Việt Nam là 39,4% trong khi trung bình của châu Á – Thái Bình Dương là 34,6%.

Mức này tương đương với mức mà các DN ở các nước có thu nhập trung bình cao phải chịu (39,6%) và cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp (38,7%).

So với các nước trong khu vực, mức thuế này tại Việt Nam thấp hơn một chút so với Malaysia nhưng cao hơn nhiều so với Indonesia (29,7%), Singapore (18,4%) và Thái Lan (27,5%).

Nguyên nhân chính khiến mức thuế tổng mà DN phải nộp cao chủ yếu đến từ mức phí an sinh xã hội bắt buộc mà DN phải nộp thay cho người lao động cao hơn hẳn so với mức trung bình trên thế giới và khu vực châu Á.

Cần đổi tư duy

Trong tài liệu về chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam của Ban Kinh tế Trung ương và USAID cũng nêu rõ, hệ thống thuế của Việt Nam gồm có các cấu phần: 1/Thuế trực tiếp, bao gồm thuế DN (CIT), thuế thu nhập cá nhân (PIT), và thuế tài nguyên. 2/Thuế gián tiếp, bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường. 3/Thuế tài sản, bao gồm thuế đất, thuế chuyển nhượng nhà, đất, chứng khoán.

Trong số các loại thuế này, DN không phải chịu PIT và được hoàn trả VAT. Bên cạnh các loại thuế chính thức, DN còn phải đóng một số khoản phí tương tự như thuế, bao gồm một phần các khoản phí đóng cho người lao động (BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, bảo hiểm tai nạn lao động) và quỹ phòng chống thiên tai.

Theo thông lệ trên thế giới, tỷ lệ tổng số thuế và phí mà DN buộc phải đóng trên tổng lợi nhuận trước thuế của DN được gọi là mức thuế hữu hiệu hoặc mức thuế tổng.

Xét về cơ cấu thuế, giới chuyên gia nhận định thuế VAT đang trở thành nguồn thu thuế chính, vượt cả nguồn thu từ thuế CIT. Ba loại thuế CIT, VAT và xuất nhập khẩu chiếm đến hơn 70% tổng nguồn thu ngân sách từ thuế và phí của Việt Nam. Kể từ năm 2013, tỷ trọng nguồn thu thuế từ VAT đã tăng lên mức 30% và đến năm 2014, chính thức lớn hơn tỷ trọng thu từ CIT.

Vấn đề đặt ra là thuế luôn có chiều hướng tăng chứ không giảm. Tại sao Bộ Tài chính không nghĩ đến trường hợp nếu thuế không tăng, chi phí của DN giảm thì doanh thu, lợi nhuận của họ tăng, thuế thu nhập DN thu được cũng sẽ nhiều hơn?

Nhân chuyện đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, cũng nên tham khảo thêm về ý kiến trên hãng tin BBC của ông Đinh Khương Duy, Nghiên cứu sinh Luật Kinh tế quốc tế, Đại học Bocconi, đó là đã đến lúc Việt Nam cần đổi tư duy về tận thu thuế.

Chẳng hạn, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, hàng Việt sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn khi xuất khẩu, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng giảm thuế đối với hàng nhập khẩu.

Thế nhưng, giữa một bên là việc ta cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, một bên ta lại tăng thuế nội địa để sao cho không thất thu thuế, vậy thì chẳng phải đã triệt tiêu đi tác dụng của việc giảm thuế ?

Ông Đinh Khương Duy ví von rằng hãy xem cắt giảm thuế như việc đào một cái hố để trồng cây. Cái cây lớn lên sẽ ra hoa, kết trái. Nhưng nếu ta chỉ sợ đào hố sẽ để một lỗ trống trên đường và lập tức lấp ngay lại bằng việc tăng thuế nội địa thì sẽ không bao giờ có cái cây nào mọc lên cả.

Nhiều DN cho rằng hệ thống hành chính thuế đang là một rào cản đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh của họ. Ngay như việc thanh toán tiền hoàn thuế VAT đến giờ DN vẫn cần cơ quan thuế tiến hành nhanh chóng để trả lại vốn cho họ xoay sở. Vậy thì Bộ Tài chính có tự suy ngẫm là DN liệu có “ngắc ngứ” từ đề xuất tăng thuế trong hai năm tới của mình?

Thế Vinh

Tin khác »