Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Cứu giá dầu, cuộc chiến chật vật của OPEC và Nga

VNE | 30/05/2017

Vào tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng với Nga và một số nước sản xuất dầu lớn khác ngoài khối đã nhất trí cùng nhau kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng. Đây là động thái nhằm “hút” sạch lượng dầu dư thừa trên toàn cầu - nhân tố đẩy giá “vàng đen” giảm sâu tới mức khó tưởng tượng trong năm ngoái.

 

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được giữa OPEC và Nga dường như đã thiết lập được một mức “sàn” cho giá dầu thế giới từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, chiến lược này vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là tình trạng thừa dầu của thế giới, ít nhất là đến thời điểm này.

Thế giới vẫn thừa nhiều dầu

Bất chấp việc OPEC và Nga cắt giảm sản lượng, lượng dầu tồn kho ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác vẫn bám trụ ở mức cao. Điều này khiến các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn lo ngại về triển vọng giá dầu.

Chiến lược của OPEC và Nga “đến nay chưa phát huy tác dụng”, ông Matt Smith, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc ClipperData, nhận định. “Họ vẫn còn cách mục tiêu một khoảng xa. Lượng dầu tồn kho hầu như chưa giảm xuống”.

Tại Mỹ, quốc gia có dữ liệu về tồn kho dầu được cập nhật thường xuyên và đáng tin cậy nhất, lượng dầu tồn kho hiện ở mức 516,3 triệu thùng. Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), con số này không chỉ cao hơn mức trung bình lịch sử, mà thậm chí còn cao hơn 6% so với thời điểm khi OPEC và Nga mới đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 11 năm ngoái.

“Lượng dầu tồn kho chưa hề giảm xuống. Đó là lý do vì sao cần phải tiếp tục việc cắt giảm sản lượng”, ông Andrew Slaughter, Giám đốc điều hành Trung tâm Giải pháp năng lượng Deloitte, nhận định.

Điều khiến OPEC quan tâm nhiều hơn là lượng tồn kho dầu trên toàn cầu. Nhưng theo CNN, bức tranh lớn này cũng không hề tươi sáng hơn.

Lượng dầu tồn kho tại các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tăng thêm 24 triệu thùng trong quý 1 năm nay, lên mức kỷ lục 1,2 tỷ thùng - theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

“Bất chấp OPEC nghiêm chỉnh tuân thủ việc cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất dầu chính tin rằng lượng dầu tồn kho chưa hề giảm xuống”, IEA viết trong một báo cáo ra trong tháng 5.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đồng tình rằng chiến lược của OPEC đến nay mới chỉ đem lại kết quả hạn chế. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng “chưa hề có ảnh hưởng rõ rệt đối với lượng dầu tồn kho”, các nhà phân tích của Fitch viết trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm tuần trước.

Sau cuộc họp của OPEC vào hôm thứ Năm, giá dầu thô tại thị trường Mỹ, đã sụt 5% xuống dưới mức 49 USD/thùng, phản ánh sự hoài nghi của giới đầu tư đối với chiến lược của khối.

Trước khi diễn ra cuộc họp, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng Saudi Arabia, “thủ lĩnh” không chính thức của OPEC, và Nga sẽ gây sức ép buộc các nước khác phải giảm sản lượng sâu hơn, hoặc gia hạn thỏa thuận lâu hơn, thay vì chỉ thêm 9 tháng.

Chiều ngày 29/5 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York đứng dưới mức 50 USD/thùng.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến khiến OPEC gặp khó

Vậy đâu là lý do khiến mức cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày của OPEC và các đối tác ngoài khối không thể khiến lượng dầu tồn kho của thế giới giảm xuống?

Nhiều người lo ngại rằng OPEC - khối có cả một lịch sử dài không tuân thủ hạn ngạch sản lượng của chính mình - sẽ không thực hiện đúng cam kết đưa ra. Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng lần này, OPEC không “nói dối”.

Mặc dù vậy, giới phân tích nói rằng Saudi Arabia và Nga thực ra đã khiến mức thừa dầu của thế giới gia tăng khi hai nước này đẩy mạnh xuất khẩu dầu trước khi đạt thỏa thuận vào tháng 11/2016. Với sản lượng bị đẩy lên từ trước, thì việc cắt giảm sản lượng sau đó không có nhiều tác dụng.

Một vấn đề khác là lượng dầu mà OPEC xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng, bất chấp sản lượng bị cắt giảm. Từ đầu năm đến nay, tháng nào Mỹ cũng nhập nhiều dầu từ OPEC hơn so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của ClipperData. “Điều này hơi khó hiểu một chút. Không biết làm thế nào họ vừa tuân thủ đầy đủ thỏa thuận giảm sản lượng mà lại không khiến lượng dầu xuất khẩu giảm đi”, ông Smith từ ClipperData nhận định.

Ngoài ra, sự trở lại của các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng là một trở lại đối với sự khởi sắc của giá dầu. Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, nhất là các mỏ dầu ở vùng Permian Basin, đã chứng tỏ vững vàng hơn những gì OPEC dự đoán.

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ công ty Baker Hughes cho biết các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đến nay đã tăng số giàn khoan hoạt động suốt 19 tuần liên tiếp, lên 722 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015.

Thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC

Các nhà đầu tư lạc quan cho rằng OPEC cần thêm thời gian để đưa cung-cầu trên thị trường dầu về trạng thái cân bằng. Họ nói lượng dầu tồn kho sẽ giảm xuống nhờ việc cắt giảm sản lượng diễn ra song song với nhu cầu tiêu thụ xăng gia tăng ở Mỹ trong mùa hè.

Ông Khalid al-Falih, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia tin rằng thị trường dầu thế giới sẽ cân bằng trong quý 1/2018. Dĩ nhiên, thời hạn dự báo này đã bị lùi lại so với dự báo trước đó của chính ông Khalid rằng thị trường sẽ cân bằng trong năm 2017.

Ngân hàng Goldman Sachs đồng tình rằng mức tồn kho dầu của các nước OECD sẽ trở lại mức bình thường vào đầu năm 2018 nhờ OPEC có thêm 9 tháng cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thế cân bằng sẽ duy trì được lâu, nhất là khi giá dầu tăng khiến các nhà khai thác dầu đá phiến tăng sản lượng.

“Khi thỏa thuận này kết thúc, và đồng thời sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh, thì thị trường sẽ lại thừa cung”, ngân hàng Morgan Stanley viết trong một báo cáo ra hôm thứ Sáu tuần trước.

Đó là lý do vì sao Morgan Stanley hạ dự báo giá dầu vào cuối năm 2018 còn 55 USD/thùng, từ mức 60 USD/thùng đưa ra trước đó.

Goldman Sachs cũng cảnh báo rằng nếu OPEC nối lại cuộc chiến giành thị phần, thì thế giới sẽ lại thừa mứa dầu. “Đây chính là thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC: nếu họ quay trở lại mức sản lượng cũ vào năm 2018 để tăng thị phần, thì giá dầu sẽ lại sụt giảm”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.

Bình Minh

Tin khác »