Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Doanh nghiệp chuyển mình 'bắt sóng' hội nhập

TBKD | 15/02/2019

Tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, máy móc thiết bị, đẩy mạnh khâu thiết kế thay vì làm gia công đang là những bước chuyển mình của khối doanh nghiệp Việt nhằm "bắt sóng" hội nhập. Trên hành trình này, điều doanh nghiệp mong muốn là sự đồng hành và hỗ trợ của Nhà nước.

 

Cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã thực thi, 2019 là năm đánh dấu mốc quan trọng khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Có thể nói chưa bao giờ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để phát triển như vậy.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng?

Chia sẻ kỳ vọng của DN về các FTA thế hệ mới, ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành CTCP Vinamilk, cho biết Vinamilk là một DN sữa có thị trường hoạt động rất rộng lớn cả trong và ngoài nước. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu (XK) sang hơn 43 nước thị trường trên thế giới. Hiện nay, công ty đang có 13 nhà máy tại Việt Nam, 1 nhà máy tại Campuchia, 1 nhà máy tại New Zealand, 1 nhà máy tại Mỹ và 1 chi nhánh tại châu Âu.

Về lĩnh vực nông nghiệp, hiện tại Vinamilk đang có 11 trang trại chăn nuôi tập trung trong nước, 1 trang trại tại Lào, cùng với gần 7.000 trang trại liên kết và hộ chăn nuôi hợp đồng; tổng đàn bò sữa khoảng 140.000 con. Vinamilk đang phấn đấu đến năm 2020, doanh số bán hàng tại nước ngoài sẽ chiếm khoảng 25% doanh thu toàn công ty.

Với thị trường rộng mở và hoạt động đa dạng như vậy, việc Việt Nam tham gia tiến trình hội nhập quốc tế và thực hiện các FTA thế hệ mới có ảnh hưởng rất lớn, rất quan trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Vinamilk trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết đến thời điểm này, gần 100% DN lớn, DN vừa trong ngành dệt may Việt Nam có tất cả những chứng chỉ đánh giá của các hãng thế giới về tăng trưởng xanh, tiêu thụ năng lượng xanh, sản xuất xanh… Điều đó cho thấy chuẩn mực của ngành dệt may Việt Nam là tương đối tốt.

Thay vì đầu tư một nhà máy mới, các đơn vị thành viên của Vinatex, đơn cử như May 10 đầu tư khâu cắt tự động, giúp công nhân đỡ vất vả, đạt được độ chính xác cao hơn, những khâu cực khó đều sử dụng robot hóa, thay thế được 8 công nhân tại cùng một công đoạn…

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, cho biết nếu trước đây để sản xuất 1,2 tỷ đôi giày dép mỗi năm, các DN phải nhập khẩu tới 65% nguyên phụ liệu, nay giảm xuống 50% do đã chú trọng tới khâu đầu tư và phát triển nguyên phụ liệu trong nước.

Cùng với đó, các DN trong ngành da giày đã chuyển hướng sang đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu trước đây chủ yếu tập trung làm đơn hàng gia công, nay nhiều DN đang đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm, như công ty Bitis, Thái Bình Shoes, Giày Tuấn Việt…

Ở tỉnh Thanh Hóa có hơn 11.000 DN đang hoạt động, trong đó số DN sản xuất chiếm khoảng 1/3. UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhằm đón đầu cơ hội XK khi CPTPP có hiệu lực, một số DN lớn trên địa bàn như: Tổng công ty May 10, Tổng công ty Tiên Sơn Thanh Hóa, CTCP May xuất khẩu Trường Thắng… đã mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất. Các DN đã chủ động mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, công tác điều hành, quản lý, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động… để đáp ứng yêu cầu XK hàng hóa vào các nước nội khối CPTPP.

Cần Nhà nước đồng hành

Nỗ lực là vậy song nhiều DN cho biết họ vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Các DN dệt may ở Thanh Hóa chia sẻ, khó khăn nhất là việc đáp ứng yêu cầu nguyên liệu trong nước. Phân tích lợi thế từ sản phẩm may mặc, muốn được hưởng thuế suất 0%, các DN phải đáp ứng quy định khắt khe như xuất xứ hàng hóa phải theo nguyên tắc "từ sợi trở đi", nghĩa là các công đoạn từ kéo sợi, dệt, nhuộm, cắt, may, hoàn thiện phải được sản xuất tại các nước thành viên CPTPP. Trong khi đó, các DN may XK của Thanh Hóa đa phần là may gia công, với khoảng 90% nguyên liệu nhập khẩu, trong đó 45% nhập khẩu từ Trung Quốc – nước không tham gia CPTPP.

Để chủ động nguồn nguyên liệu với Hiệp định CPTPP được thực thi, các DN may mặc tại Thanh Hóa đang tích cực tìm nguồn hàng cung ứng trong nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN, để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và tiến độ hàng hóa XK, nguồn nguyên liệu trong nước hiện tại chưa đủ khả năng đáp ứng.

Ông Vũ Công Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty May XK Trường Thắng (Thanh Hóa), đề xuất tỉnh Thanh Hóa cần có chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài sớm tiến hành đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi cho các DN trong nước, trong tỉnh về mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn… cùng liên kết đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm với công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chí nguyên liệu để sản xuất hàng may mặc XK và bảo đảm vấn đề về môi trường.

Với ngành nông nghiệp, đại diện công ty TNHH Hoa Mai (XK sản phẩm từ chăn nuôi), chia sẻ hàng rào về vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh thú y là rất lớn. Trong bối cảnh điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, khó kiểm soát an toàn dịch bệnh như ngành chăn nuôi, DN rất khó khăn trong việc tận dụng lợi thế từ các FTA để mở rộng quy mô XK.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề 1kg thịt lợn ở Canada chỉ có giá 34.000-35.000 đồng/kg, hay thịt bò Chile, hoa quả của New Zealand và Australia có giá rất hấp dẫn sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới, vậy hàng hóa Việt Nam có cạnh tranh được không?…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, thống nhất cơ chế chỉ đạo, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. "Nếu Nhà nước, DN, nông dân cùng đồng hành thì không vấn đề gì chúng ta không vượt qua thách thức để nắm bắt cơ hội, vì nông dân, DN Việt Nam rất giỏi", ông Cường nói.

Lê Thúy

Tin khác »