Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Nhiều cơ hội xuất khẩu cho gỗ Việt

DDDN | 13/11/2018

Với sự tăng trưởng tích cực trong 10 tháng đầu năm nay, ngành gỗ được dự báo sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong thời gian tới nếu có chiến lược và giải pháp cải thiện các dịch vụ hỗ trợ.

 

Xuất khẩu liên tục tăng trưởng dương

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu nội thất từ gỗ tháng 10 đạt tăng trưởng 18,5% và đạt giá trị kim ngạch 7,612 tỷ USD. Với đà này, ngành gỗ Việt Nam đang nỗ lực để đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2018.

Về thị trường xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện gỗ Việt xuất khẩu chủ yếu qua Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU với tỷ lệ chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam được dự báo có thể vượt Trung Quốc và trở thành nhà cung cấp đồ gỗ lớn nhất vào nước này. Cụ thể, theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 11,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước cung cấp sản phẩm này lớn nhất cho Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ ngày 24/9, Mỹ đã chính thức áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mức thuế này dự kiến sẽ tăng lên 25% bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Các mức thuế mới sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ. Nhiều khả năng, doanh nghiệp Mỹ sẽ hạn chế nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc. Đây được coi là cơ hội cho các thị trường xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý là các công ty sản xuất nội thất tại Trung Quốc dưới áp lực của chiến tranh thương mại đã phải tính đến phương án chuyển sản xuất ra nước ngoài và Việt Nam là một điểm đến. Điều này không chỉ tích cực với ngành sản xuất nội thất mà còn với nhiều ngành khác như khu công nghiệp, logistics … Quan trọng hơn, nếu có chiến lược thu hút FDI đúng đắn, Việt Nam có thể tận dụng thêm cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cần chiến lược tận dụng cơ hội

Mặc dù ngành chế biến gỗ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ nhưng đông đảo doanh nghiệp sản xuất trong ngành gặp đang phải khó khăn về vùng nguyên liệu. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu hiện đang quan ngại về vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, tính bền vững và đặc biệt là việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Woodsland cho hay, tại Woodsland, khách hàng yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc gỗ, phải hoàn toàn hợp pháp, có chứng chỉ rừng bền vững (FSC), nhà máy phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.... Để đạt được những tiêu chuẩn này, doanh nghiệp phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cũng như hệ thống quản lý minh bạch.

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ngoài giải pháp cung ứng nguyên liệu, doanh nghiệp Việt cần tập trung đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý. Đồng thời, khẳng định uy tín thông qua chất lượng sản phẩm và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ để nắm bắt tốt nhất cơ hội phát triển từ sự gia tăng tiêu dùng sản phẩm gỗ trên thế giới.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, nhà nước cần giảm tải các chi phí bất hợp lý còn tồn đọng trong các khâu thuộc chuỗi cung ứng, giảm thiểu xuất siêu nguyên liệu gỗ thô, bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế và kiểm soát việc thực hiện; đồng thời áp dụng các ưu đãi về mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với ngành lâm nghiệp tương tự như với ngành nông nghiệp và thủy sản” – đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cho hay.

Thu Hoài

Tin khác »