Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Để tiềm năng lớn không ngủ quên

TBNH | 22/06/2018

Mặc dù tiềm năng NLTT ở Việt Nam là rất lớn nhưng hiện nay có thể nói vẫn đang trong giai đoạn sơ khai...

 

Điều kiện khách quan thuận lợi

Bà Virginia B. Foote, Chủ tịch kiêm CEO của Bay Global Strategies (nguyên Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt - Mỹ) nhận định: “Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam rất phong phú, kể cả điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối. Thế nhưng trong khi nhiều nước khác đang tiến rất nhanh phát triển NLTT trong mạng lưới điện của họ thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đánh giá chính sách và triển khai những dự án thí điểm.

Theo tôi, các rào cản chủ yếu ở đây là về chính sách và bí quyết công nghệ. Hơn nữa, giai đoạn đánh giá và thí điểm hiện nay vẫn thiếu một số yêu cầu cơ bản để làm cho dự án hoạt động hiệu quả. Trong đó, hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện nay còn nhiều bất cập nên chưa thu hút được nhiều các nguồn đầu tư tài chính từ trong nước hoặc quốc tế. Điều kiện địa lý thuận lợi cùng với chi phí lắp đặt giảm dần hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển NLTT tại Việt Nam. Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều vướng mắc cần giải quyết".

Tiềm năng NLTT ở Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là khá lớn. Với khí hậu nhiệt đới và đường bờ biển dài, Việt Nam có được thuận lợi cho việc phát triển cả điện gió và điện mặt trời. Ước tính, điện gió tại Việt Nam có tiềm năng lên tới 24GW do cả nước có hơn 3.260km đường bờ biển. Trong khi đó, tiềm năng điện mặt trời cũng rất lớn nhờ vị trí thuận lợi gần đường xích đạo. Độ chiếu xạ trực tiếp trung bình (DNI) ước tính là 4-5kWh/m2 mỗi ngày, với tổng số giờ có ánh sáng mặt trời khoảng 1.600-2.700 giờ/năm.

Một yếu tố thuận lợi khác là những tiến bộ công nghệ đang giúp làm giảm đáng kể chi phí phát triển NLTT và sẽ giúp cải thiện các chỉ số kinh tế của dự án. Đơn cử, chi phí thiết bị thường chiếm 70%-80% tổng chi phí đầu tư cho các dự án điện gió. Tại Việt Nam, chi phí đầu tư cho mỗi MW điện gió khoảng 3,5 triệu USD trước năm 2010 và đã giảm xuống còn 2,0 - 2,5 triệu USD giai đoạn 2015 - 2016.

Con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,5 triệu USD/MW trong giai đoạn 2020-2025. Trong khi chi phí cho 1 tấm pin mặt trời sử dụng công nghệ hiện tại cũng giảm từ 3-4 USD/Wp từ 5 năm trước xuống mức thấp nhất là 0,5 USD/Wp. Theo tổ chức GIZ, chi phí đầu tư được dự đoán sẽ giảm 9%-12%/năm trong vài năm tới nhờ tiến bộ công nghệ.

Bên cạnh đó, thực hiện Hiệp định COP 21 cùng những vấn đề tự thân từ quá trình phát triển kinh tế gắn với môi trường, Chính phủ đã cam kết tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc giảm lượng khí thải carbon. Nhưng những cam kết như vậy sẽ không đạt được nếu các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch liên tục được xây thêm hay thủy điện – vốn chiếm phần lớn công suất lắp đặt, cũng gần như đã được khai thác triệt để.

Trong bối cảnh đó, NLTT đang dần trở thành lựa chọn thay thế khả dĩ nhất trong dài hạn. Quy hoạch điện mới nhất đến năm 2030 xem NLTT là một phần quan trọng trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Chính phủ đặt mục tiêu tăng công suất NLTT từ hơn 159MW ở thời điểm hiện tại (0,5% tổng công suất) lên 2.150MW vào năm 2020 (3,6% tổng công suất).

Đánh thức tiềm năng

Một yếu tố khác là sự ra đời của cơ chế giá điện NLTT chính thức (FIT). FIT là thỏa thuận mua bán điện dài hạn của các dự án NLTT, nhằm khuyến khích sự phát triển của NLTT. Mỗi loại NLTT có cơ chế mua bán điện khác nhau do suất đầu tư trên 1MW khác nhau. Tại Việt Nam, Quyết định 37/2011/QĐTTg và Thông tư 16/2017-TT-BCT lần lượt quy định giá bán cho các dự án điện gió và điện mặt trời.

Ngoài ra, Quyết định 11/2017QĐ-TTg tháng 6/2017 quy định EVN có nghĩa vụ mua toàn bộ sản lượng điện từ các trang trại điện mặt trời với giá 9,35 USD/kWh (tuy nhiên, các trang trại này phải được hoàn thành và hòa vào lưới điện trước tháng 6/2019 để được hưởng mức giá ưu đãi này). Ngoài ra, Chính phủ cũng đang áp dụng các ưu đãi thuế để bù đắp cho giá bán điện khá thấp của các dự án NLTT, như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị xây dựng được sử dụng ở các nhà máy NLTT; giảm hoặc miễn thuế bất động sản đối với đất sử dụng…

Chính vì những thuận lợi như vậy, NLTT đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các NĐT trong và ngoài nước. Đơn cử như Tập đoàn Thành Thành Công – TTC (có công ty con là Công ty cổ phần Điện lực Gia Lai - GEG) khẳng định, NLTT sẽ là 1 trong 4 trọng tâm chính trong kế hoạch đầu tư cho đến năm 2020. Thực tế DN này đã lên kế hoạch đầu tư vào nhiều dự án điện mặt trời với tổng công suất lên tới 1.002MW trong vòng 2 năm qua. Hiện 2 cổ đông chiến lược nước ngoài của TTC là IFC và Armstrong A.M – những NĐT có kinh nghiệm phát triển NLTT trên thị trường toàn cầu đều muốn tăng cổ phần sở hữu tại GEG.

Hay Tập đoàn EVN cũng đang có kế hoạch triển khai 23 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên tới 3.100 MW thông qua các công ty con. Đáng chú ý, EVN mới đây đã được Fitch Ratings xếp hạng nhà phát hành nợ (IDR) ở mức BB với “Viễn cảnh ổn định” về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ.

Theo ông Đinh Quang Trí, quyền Tổng giám đốc EVN, mức tín nhiệm tích cực này sẽ giúp EVN phát hành trái phiếu quốc tế, đa dạng hóa nguồn vốn và là một sự đảm bảo cho các NĐT tiềm năng trong nước và quốc tế, qua đó có cơ sở vững chắc hơn để có thể huy động vốn đầu tư các dự án điện, tăng khả năng cung ứng điện cho khách hàng.

Mặc dù tiềm năng NLTT ở Việt Nam là rất lớn nhưng hiện nay có thể nói vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Một phần nguyên nhân là do thiếu ưu đãi về giá bán cho các NĐT tiềm năng. Biểu giá bán điện hiện tại không đủ hấp dẫn để thu hút các DN lớn đầu tư vào ngành. Do giá bán điện hiện tại khá thấp và chi phí đầu tư cao nên thời gian hoàn vốn vẫn còn khá dài (trên 10 năm) dẫn đến giảm sự hấp dẫn đối với các NĐT thương mại.

Trong khi đó, hạn chót để hưởng giá bán ưu đãi cho điện mặt trời đang đến gần. Hiện tại, các NĐT dự án điện mặt trời chỉ còn 13 tháng (đến tháng 6/2019) để hoàn thành xây dựng nhà máy và hòa lưới điện nếu muốn được hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cent US/kWh.

Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), hàng trăm dự án điện mặt trời đã được đăng ký đầu tư vào Việt Nam tính đến tháng 7/2017 với tổng công suất 17.000 MW. Tất cả các dự án này đều đang khẩn trương để hoàn thành xây dựng trước thời hạn đề ra.

Tuy nhiên, việc lắp đặt các tấm pin mặt trời cần có diện tích đất lớn nên sẽ mất một khoảng thời gian dài để các NĐT tìm vị trí phù hợp và thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (1MW điện mặt trời chiếm 1-1,5ha đất). Điều này có thể làm giảm sự quan tâm của NĐT nếu không có chính sách rõ ràng hơn và hỗ trợ từ Chính phủ để thu hồi đất và đền bù.

Đỗ Lê

Tin khác »