Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Thoáng hơn cho đầu tư ra nước ngoài

TBNH | 26/04/2018

Một số chính sách đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài gần đây được sửa đổi, trong đó có việc chuyển tiền để đầu tư ở nước ngoài ghi nhận có sự thông thoáng hơn.

 

Tháo nút thắt vốn chuẩn bị dự án

Từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của cộng đồng DN Việt Nam có nhiều khởi sắc. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính lũy kế đến hết quý I/2018, cả nước có gần 1.200 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng trên 22 tỷ USD. Trong đó, riêng quý I năm nay, có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và 5 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 150 triệu USD.

Việc khởi sắc của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, theo ghi nhận từ thực tế là do sự cởi mở của pháp lý đầu tư. Bởi từ tháng 9/2015 với các quy định thông thoáng của Nghị định 83/2015, các DN đầu tư ra nước ngoài đã không cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư khi có dự án đầu tư ra nước ngoài mà chỉ cần hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là có thể bắt đầu dự án.

Việc chuyển tiền ra nước ngoài cũng được Nghị định 83/2015 quy định khá cụ thể và thuận tiện. Theo đó, trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, DN được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 USD) để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án.

Mới đây, NHNN cũng đã đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí để thay thế Thông tư 36/2013 nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định 124/2017.

Trong dự thảo thông tư mới này, NHNN cũng quy định khá cụ thể trường hợp chuyển ngoại tệ ra nước ngoài khi DN chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động chuẩn bị đầu tư ở nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Việc chuyển tiền này được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ trước đầu tư và số tiền chuyển ra nước ngoài (cộng gộp cả trước và sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) không vượt quá tổng vốn đầu tư theo giấy chứng nhận được cấp.

Sau khi DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư bằng một loại ngoại tệ cho một dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại một TCTD. Nếu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng VND, nhà đầu tư được mở và sử dụng đồng thời một tài khoản vốn đầu tư bằng VND và một tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ để thực hiện chuyển tiền và kiểm soát dòng tiền. 

Tiếp tục cho vay đầu tư ra nước ngoài

Theo chia sẻ của đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, hiện nay đối với hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, quy định về thủ tục chuyển vốn ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi có nhu cầu đầu tư. Thời gian xử lý hoàn tất chỉ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhà đầu tư có đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Theo Nghị định 83/2015, hiện nay, các nhà đầu tư được phép chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng được các điều kiện như: có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, có tài khoản vốn theo quy định của Luật Đầu tư và được NHNN xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối, đồng thời nhà đầu tư cũng phải cam kết tự chịu trách nhiệm đối với việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo đúng mục đích, đúng thời hạn và tuân thủ các quy định của hợp đồng với đối tác.

Ngoài ra, NHNN cũng quy định rất chặt chẽ chế độ báo cáo đối với các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Cụ thể, 6 tháng một lần nhà đầu tư phải báo cáo tình hình thực hiện dự án, mỗi năm một lần phải gửi NHNN báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư; hàng năm phải chuyển lợi nhuận (nếu có) về nước trong thời hạn 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính.

Cũng theo quan điểm của đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, hiện nay NHNN cũng đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng đầu tư ra nước ngoài để thay thế cho Thông tư số 10/2006.

Trong dự thảo của thông tư mới này, NHNN cũng đề xuất điều kiện để được vay vốn. Theo đó, các chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cấp và đáp ứng các điều kiện về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư. Ngoài ra, chủ đầu tư phải có phương án sử dụng vốn đầu tư khả thi và khả năng tài chính để trả nợ.

Riêng về hạn mức cho vay và thời hạn vay vốn, dự thảo thông tư cũng quy định cho phép các TCTD được thỏa thuận với khách hàng của mình nhưng không được cho vay vượt quá 70% tổng mức vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng. Đồng thời thời hạn vay phù hợp với thời hạn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng.

Thạch Bình

Tin khác »