Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Doanh nghiệp gỗ lo bị “hớt tay trên”

TBKD | 06/02/2018

Thị phần gỗ Việt đang giảm do Liên minh châu Âu (EU) tăng cường nhập khẩu (NK) từ thị trường Malaysia, Ấn Độ; Mỹ không khuyến khích NK gỗ. Và nguy cơ lớn hơn là việc các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đang nhắm thị trường Việt Nam làm “bàn đạp”, tận dụng lợi thế giảm thuế, để xuất khẩu (XK).

 

Năm 2017 được nhận định là năm thành công của ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam khi kim ngạch XK đạt 7,6 tỷ USD và là thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á. 

Với thành công của năm 2017, trong năm 2018, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,66 tỷ USD; năm 2019 đạt 9,84 tỷ USD và đến năm 2020 đạt 11,26 tỷ USD.

Đối tác lập “rào cản”

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), ước tính, tháng 1/2018, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 730 triệu USD, giảm 3,5% so với tháng 12/2017. 

Nhận định ngành gỗ trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), cho biết thị trường NK gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ nhưng nước này vừa ban hành chính sách giảm thuế thu nhập từ 35% xuống 25% cho DN trong nước nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất bản địa, trong đó có ngành gỗ. Bởi vậy, các DN Việt chắc chắn sẽ gặp khó khi XK sang thị trường này với những mặt hàng mà phía Mỹ khuyến khích tăng trưởng sản xuất.

Hiện, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 cho EU. Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam đang giảm do EU tăng cường NK từ thị trường Malaysia, Ấn Độ…

Đặc biệt, liên quan tới sự chuẩn bị của DN đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), đánh giá các DN gỗ ở miền Bắc tiếp cận rất ít và hầu như không nắm rõ về hiệp định này. Nguyên nhân là các DN chế biến, XK gỗ miền Bắc XK sang EU khá ít, chỉ khoảng 5 – 7%.

Trên thực tế, thời gian qua, VIFORES đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức 3 – 4 cuộc hội thảo nhằm phổ biến cho DN khu vực phía Bắc về EVFTA, nhưng rất ít DN quan tâm, chỉ khoảng 30 – 50 DN tham dự. Nếu không thay đổi tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, chắc chắn DN sẽ phải chịu thiệt thòi. 

Hơn nữa, thị trường EU khá khó tính với những chỉ số kỹ thuật hàng hóa khắt khe, hầu hết theo tiêu chuẩn EURO 3. Trong khi đó, phần lớn DN XK gỗ miền Bắc còn chưa biết tiêu chuẩn này là như thế nào. 

“Để tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy XK hàng hóa vào EU, DN cần không ngừng học hỏi, cập nhật thông tin, tự hoàn thiện mình thêm. Với trình độ hiện tại, có nhiều DN phải mất 5 – 7 năm tới có thể thực sự hòa nhập, tận dụng tốt được cơ hội”, ông Quyền nói.

Chưa kể, thị trường EU được dự báo không tăng NK đồ gỗ, đồng EURO biến động giảm cũng gây khó khăn cho việc NK từ Việt Nam… 

Trong khi đó, muốn đẩy mạnh XK gỗ vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2018, các DN sẽ phải giải trình các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hay nói cách khác là phải có trách nhiệm giải trình về lý lịch gỗ sạch. Quy định này tác động trực tiếp đến tình hình XK của Việt Nam vào những thị trường dẫn đầu về NK mặt hàng gỗ. 

Doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi

Hơn nữa, một bất lợi đối với ngành gỗ là các DN Trung Quốc có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết để tận dụng các ưu thế tại Việt Nam. Nguy hiểm hơn, điều này có thể dẫn đến nguy cơ bị kiện chống bán phá giá ở thị trường Mỹ. 

Ông Quyền cho rằng nếu các DN Trung Quốc vào Việt Nam nhiều thì việc thu mua nguyên liệu của DN trong nước sẽ rất khó khăn, vì họ có nhiều tiền, trong khi quy mô DN Việt Nam quá nhỏ bé, khả năng cạnh tranh với họ không dễ. 

Cùng với đó, các DN Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá. Theo ông Quyền, điều này có thể xảy ra. Từ năm 2000 trở về trước, Mỹ đã xử lý rất nhiều vụ bán phá giá với hàng hóa Trung Quốc, với Việt Nam thì rất ít. 

“Nhưng bây giờ, dòng chảy FDI Trung Quốc vào Việt Nam quá nhiều, đây có thể là nguy cơ cao vì hiện nay vẫn chưa biết quy mô Nhà nước cho phép DN Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với công suất bao nhiêu m3/năm. Nếu tỷ trọng quá lớn và áp đảo DN gỗ Việt Nam thì nguy cơ Việt Nam bị kiện bán phá giá là điều khó tránh khỏi”. 

Từ bài học của nhiều ngành khác, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Lâm Việt, lo lắng nếu có nhiều DN Trung Quốc sang đầu tư ở Việt Nam sẽ tạo nên sản lượng lớn và giá rẻ so với các DN trong nước.

Chưa kể, nếu sản phẩm gỗ Việt Nam XK vào Mỹ có nguy cơ bị vạ lây áp thuế chống bán giá giá, ảnh hưởng tới sản xuất chung của toàn ngành. 

Ngoài ra, XK gỗ của Trung Quốc dự kiến thiếu khoảng 60 triệu m3 gỗ. Các DN Trung Quốc sẽ đến các thị trường lân cận để thu mua, Việt Nam không nằm ngoài điểm ngắm này… Điều đó sẽ gây áp lực cạnh tranh cho DN Việt Nam, nhất là khi các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar đang đẩy mạnh chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng, càng tạo ra tình cảnh khan hiếm nguồn cung. 

Theo tính toán của VIFORES, ngành gỗ hiện ít nhất phải cung cấp 33 triệu m3, nhưng lượng gỗ trong nước mới đáp ứng khoảng 23 triệu m3. Tuy nhiên, điểm yếu của gỗ Việt là diện tích gỗ rừng trồng rất lớn nhưng đường kính lại nhỏ quá, nên năng suất gỗ/chu kỳ thấp.

Trước những khó khăn mà ngành gỗ đang gặp phải, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, khuyến nghị để vượt qua, trước tiên sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

“Các DN sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống cần chủ động nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt nguồn gốc nguyên liệu cũng như hoạt động sản xuất, chế biến để có thể tận dụng được lợi thế từ các cam kết trong quan hệ hợp tác”, ông Hạnh nói. 

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại Tổ chức Forest Trends, nhấn mạnh cần loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu không rõ nguồn gốc. 

“Điều này không những đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường XK quan trọng, truyền thống của Việt Nam, mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai”, ông Phúc cho biết. 

Bên cạnh đó, hầu hết DN ngành gỗ đang phải đối mặt với vấn đề vốn để đầu tư thay đổi công nghệ. Cũng như vì mải mê chạy theo XK mà các DN gỗ trong nước đang bỏ quên chính “sân nhà”.Thị phần gỗ nội địa hiện nay đang vào tay các DN Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản.

Lê Thúy

Tin khác »