Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Xuất khẩu cà phê “tăng tốc” cuối năm?

TBKD | 10/10/2017

 

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong tháng 9/2017, XK cà phê ước đạt 86.000 tấn, đạt giá trị 201 triệu USD, đưa khối lượng XK cà phê 9 tháng đầu năm 2017 trên 1,11 triệu tấn, giảm 20,7% về lượng nhưng tăng 1% về giá trị (đạt 2,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Quý III “ảm đạm”

Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm 2017, EU tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 43% tổng lượng cà phê XK trên cả nước và chiếm 42% tổng kim ngạch (đạt 446.822 tấn, tương đương 986,9 triệu USD).

Trong đó, Đức là thị trường XK lớn nhất của cà phê Việt, đạt 157.601 tấn, trị giá 344,31 triệu USD, chiếm 15% trong tổng lượng và tổng kim ngạch XK (giảm 22% về lượng và 0,22% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái).

Sau Đức là thị trường Hoa Kỳ, chiếm 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 139.559 tấn, trị giá 316,65 triệu USD (giảm 17% về lượng nhưng tăng 5,6% về kim ngạch). Đứng thứ ba là thị trường Italia, đạt 89.720 tấn, trị giá 197,42 triệu USD, chiếm 8% tổng lượng và tổng kim ngạch (giảm 10,3% về lượng nhưng tăng 15% về kim ngạch).

Về giá, bình quân 8 tháng đầu năm 2017, giá XK cà phê đạt hơn 2.281 USD/tấn, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2016 (xấp xỉ 1.800 USD/tấn). Trong đó, thị trường New Zealand gây chú ý khi đạt mức giá cao nhất 5.112 USD/tấn; thị trường Campuchia đạt 4.596 USD/tấn; thị trường Singapore đạt 4.236 USD/tấn.

Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, xét chung 9 tháng đầu năm 2017, giá cà phê biến động giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới. So với tháng 8/2017, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.400 – 1.500 đồng/kg xuống còn 42.500 – 43.300 đồng/kg, ghi nhận mức giá thấp trong quý III.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong 9 tháng đầu năm 2017, giá cà phê trong nước có xu hướng giảm. So với thời điểm cuối năm 2016, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã giảm 1.500 –1.900 đồng/kg. Giao dịch cà phê tại thị trường nội địa tiếp tục trầm lắng do mức giá chưa đạt kỳ vọng và nguồn cung không còn nhiều.

Kỳ vọng quý IV

Cũng theo đánh giá của Vicofa, niên vụ cà phê 2016 – 2017 (bắt đầu từ ngày 1/10/2016 đến ngày 30/9/2017) mất mùa lớn, ước tính sản lượng XK sẽ giảm 20 – 30% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng nhờ giá XK tăng 30% (do nguồn cung thế giới giảm), kim ngạch thu về tương đương với niên vụ trước.

Dù trải qua quý III với gam màu khá ảm đạm nhưng giới chuyên gia nhận định quý IV là thời điểm có nhiều lợi thế để ngành cà phê Việt Nam đẩy mạnh XK.

Dự báo, giá cà phê sẽ tăng trong các tháng cuối năm vì nguồn cung cà phê tại thị trường nội địa đã cạn kiệt, lượng hàng tồn kho trong dân chỉ còn khoảng 10.000 tấn.

Chưa kể, quý IV cũng là thời điểm các doanh nghiệp chế biến, XK cà phê “tăng tốc” để hoàn thành các hợp đồng XK ra thị trường thế giới, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong kỳ nghỉ Đông của các nước, nhất là các nước EU.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacafe, niên vụ cà phê mới 2017 – 2018 sẽ bắt đầu thu hoạch rải rác vào tháng 10, vì lượng tồn kho không còn nhiều nên các doanh nghiệp chế biến và XK sẽ bắt tay thu mua nguyên liệu. Do đó, giá cà phê có thể tiếp tục tăng.

Với những lợi thế hiện tại, các doanh nghiệp XK cà phê đang đặt nhiều kỳ vọng mặc dù đang tồn tại không ít “rào cản”. Ông Trần Văn Tuyển, Tổng Giám đốc tập đoàn Thiên Sa (Tp.HCM), cho biết doanh nghiệp đang rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành quản lý để chớp thời cơ, hoàn thành mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê lên 30%.

Tuy nhiên, “việc Bộ Tài chính đề xuất đưa sản phẩm cà phê chế biến vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gây thêm nhiều khó khăn và trở ngại cho các doanh nghiệp. Nếu đề xuất trên được thông qua, doanh nghiệp sẽ khó có lời, ảnh hưởng đến lượng thu mua cà phê chất lượng cao của nông dân”, ông Tuyển phân tích.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, cho rằng trong khi các doanh nghiệp đang chú trọng nguồn vốn vào thiết bị công nghệ, giảm lượng xuất thô, đẩy mạnh chế biến cà phê để XK, việc đề xuất đưa sản phẩm cà phê chế biến vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt làm cho không ít doanh nghiệp nao núng.

Do đó, các doanh nghiệp XK và hiệp hội trong ngành cà phê đều đồng loạt kiến nghị Chính phủ xem xét lại quyết định này để “mở đường” cho ngành cà phê chế biến của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với cà phê chế biến của Brazil, Mexico…

Hiến Nguyễn

Tin khác »