Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Nhiều dư địa cho dệt may Việt tại Mỹ

TBKD | 21/09/2017

Chiếm thị phần hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may, thị trường Mỹ tiếp tục là “tâm điểm” được ngành dệt may và các doanh nghiệp (DN ) Việt Nam chú trọng chinh phục nhằm hoàn thành mục tiêu XK 30 – 30,5 tỷ USD trong năm 2017.

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết trong 8 tháng đầu năm 2017, XK dệt may đã có sự tăng trưởng khá, kim ngạch XK đạt xấp xỉ 19,8 tỷ USD (tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016). XK dệt may sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành, chiếm khoảng 51% thị phần XK.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch XK hàng dệt may sang thị trường Mỹ đạt hơn 8,16 tỷ USD (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước), xếp sau Mỹ lần lượt là các thị trường EU đạt 2,47 tỷ USD (tăng 4,1%); Nhật Bản đạt 1,97 tỷ USD (tăng 5%); Hàn Quốc đạt 1,56 tỷ USD (tăng 12,6%)…

“Cộng sinh” cùng phát triển

Số liệu thống kê từ VITAS chỉ ra, sau hơn 10 năm gia nhập WTO (ngày 11/1/2007), ngành dệt may Việt Nam đã giữ ổn định tăng trưởng XK vào Mỹ 12 – 18%/năm, thậm chí có năm tăng trưởng tới 24%. Với đà tăng trưởng hiện tại, đến năm 2030, dự kiến XK vào Mỹ sẽ đạt khoảng 65 – 70 tỷ USD.

Theo VITAS, mối quan hệ hợp tác, tương hỗ giữa các DN Việt Nam và các đối tác đến từ Mỹ đang ngày được mở rộng và có chiều sâu. Minh chứng là Việt Nam đang XK sang Mỹ các sản phẩm dệt may được sản xuất bằng chính nguyên liệu nhập khẩu (NK) từ Mỹ. Đơn cử, trong 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã NK 808.000 tấn bông, trị giá 1,47 tỷ USD, trong đó, thị phần bông Mỹ chiếm gần 60%.

Ngược lại, hàng dệt may Việt Nam XK vào Mỹ cũng tăng trưởng mạnh, với kim ngạch hàng chục tỷ USD. Song song với việc NK sản phẩm bông Mỹ kéo sợi, nhuộm, ngành dệt may Việt Nam cũng đang có chiến lược đẩy mạnh phối hợp với Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) để XK sợi, sản phẩm dệt may vào Mỹ.

Ông Giang đánh giá: “Trong những năm qua, CCI và VITAS đang là “cầu nối” liên kết giữa cộng đồng DN, các nhà sản xuất, nhà thương mại của Mỹ với các nhà sản xuất sợi nhuộm hoàn tất của Việt Nam. Phía Mỹ đang có chính sách tạo điều kiện để DN hai bên hợp tác, giúp kim ngạch XK dệt may Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng ổn định. Trong sự hợp tác này, hai bên đều có lợi”.

Về phía Mỹ, ông Bruce Atherley, Chủ tịch CCI, nhìn nhận, đã có thêm nhiều tín hiệu tích cực cho sự hợp tác vì lợi ích của DN hai nước. Minh chứng là ngày 12/9 vừa qua, CCI đã chọn Tp.HCM là địa điểm tổ chức sự kiện Cotton Day 2017 nhằm kết nối, giao lưu giữa DN ngành dệt may với các đối tác, các nhà cung cấp và các chuyên gia trong ngành bông và sợi dệt.

DN bắt đầu “cuộc đua”

Các DN dệt may trong nước cũng đang nhận thức rõ ràng hơn lợi ích của mối quan hệ “cộng sinh” với các đối tác đến từ Mỹ. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hòa Thọ, cho biết: “Chúng tôi hiện có ba nhà máy sản xuất sợi được đầu tư tại Đà Nẵng và Quảng Nam, với công suất sợi đạt 1.600 tấn/tháng, bông NK từ Mỹ chiếm hơn 60%. Bông của Mỹ có giá bán rất hợp lý, là lựa chọn phù hợp cho nhà sản xuất, đáp ứng được các đơn hàng yêu cầu chất lượng cao. Từ nay đến năm 2020, chúng tôi dự kiến đầu tư xây dựng thêm nhà máy để tăng năng lực sản xuất của Hòa Thọ thêm 1.000 tấn so với hiện nay”.

Ông Jay Jun, phụ trách kinh doanh của công ty TCE Corporation (Hàn Quốc), cũng cho hay đơn vị đã đầu tư một nhà máy sản xuất sợi tại Nam Định và hiện sử dụng 100% bông NK từ Mỹ để sản xuất. Nhà máy của TCE chuyên sản xuất các loại vải denim. Hơn 90% sản phẩm của TCE được XK sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…

Bản thân các DN của Mỹ tại Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất. Đơn cử, công ty Trillions tại Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) vừa đề xuất việc thuê thêm 5ha để mở rộng sản xuất trong năm 2018. Trước đó, DN này đã đầu tư dự án nhà máy sản xuất và hoàn thiện các sản phẩm dệt nhuộm có vốn đầu tư 15 triệu USD.

Trước nhu cầu hợp tác ngày càng tăng của DN hai nước, Chủ tịch VITAS cho biết Việt Nam và Mỹ đã có ba lần làm việc chung và sẽ tiếp tục đàm phán trong thời gian tới nhằm thiết lập những hiệp định song phương.

“Chúng tôi đã có kiến nghị với CCI và Chính phủ Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ sớm cho phép xây dựng kho ngoại quan ở Tp.HCM, Hà Nội và Hải Phòng để DN Việt Nam có thời gian mua hàng ngắn hơn. Qua đó, giúp DN giảm thiểu chi phí, nâng sức cạnh tranh cho hàng XK và tránh những rủi ro trong các hợp đồng thương mại”, ông Giang nói.

Văn Nguyễn

Tin khác »