Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Bất động sản khu Tây TP.HCM, phát triển chưa xứng tiềm năng

DTCK | 23/08/2017

Hạ tầng giao thông kết nối đã và đang phát triển mạnh là những điều kiện cần và đủ để thị trường bất động sản “cất cánh”. Tuy nhiên tới nay, khu Tây TP.HCM vẫn có khá ít dự án bất động sản, trong khi nhu cầu và quỹ đất còn nhiều.

 

Tiềm năng lớn

Đánh giá về thị trường bất động sản khu Tây TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, đây là nơi đầy đủ điều kiện phát triển nhất hiện nay của TP.HCM. Lý do, trong Đồ án Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có đề cập đến việc mở rộng các tuyến đường kết nối từ các tỉnh lân cận vào TP.HCM và kết nối các quận huyện vùng ven vào trung tâm Thành phố.

Đặc biệt, chính sách giãn dân cũng được Thành phố đưa vào nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong nội dung định hướng phát triển Thành phố từ năm 2015 tới năm 2020 tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X. Với mục tiêu chính là cho người dân về các quận vùng ven sinh sống và siết chặt đăng ký hộ khẩu mới cho các quận trung tâm Thành phố.

Nhờ chính sách này, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng ven được mở rộng và xây mới. Trong đó, tại khu Tây Bắc, trước những năm 2015, hạ tầng giao thông nơi đây được cho là kém nhất Thành phố, nhưng sau đó, hàng hoạt dự án hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng và xây mới như đường Cộng Hòa, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Văn Linh nối khu Nam về khu Tây và đường tỉnh lộ 22 nối các quận khu Tây về các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, tỉnh Tây Ninh.

Ngoài ra, khu Tây với vai trò là cửa ngõ lưu thông giữa TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đến nay, hầu hết những công trình hạ tầng đối nội và đối ngoại tại đây đều đã hoàn thiện, điển hình như Đại lộ Võ Văn Kiệt nối các quận phía Tây sang Đông Thành phố, hay đường Kinh Dương Vương vừa hoàn thành đề án nâng cấp. Về mặt kết nối liên vùng, cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, theo kế hoạch, TP.HCM sẽ đầu tư Dự án tuyến đường sắt metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, đồng thời phát triển hệ thống đường nối trên cao vào Sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như vào trung tâm TP.HCM. Hay tuyến xe buýt nhanh - BRT số 1 đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để thi công, kịp đưa vào khai thác vào năm 2018 theo đúng kế hoạch.

Thêm nữa, tuyến metro số 3a (nối từ ga Bến Thành đến ga Tân Kiên) cũng đã được UBND TP.HCM đăng ký trong Danh mục các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018. Bên cạnh đó là hệ thống đường chui, cầu vượt cũng được xây dựng như cầu vượt Lê Trọng Tấn, Quốc lộ 1A, Hầm Chui đường Trường Chinh đi về Quốc lộ 22…

Đây chính là những lợi thế để thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực này phát triển. Một lợi thế nữa, theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, hiện khu Tây đang có quỹ đất rộng lớn. Những quỹ đất này đã được đền bù giải tỏa, hoặc đang nằm trong quy hoạch giãn dân của UBND TP.HCM và trong thời gian mời gọi nhà đầu tư. Cùng với đó, TP.HCM cũng đang gấp rút di dời khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa để xây dựng khu đô thị tại đây.

Ngoài ra, một lợi thế mà các khu khác không có, đó là khu Tây giáp ranh với các huyện có nhiều khu công nghiệp của Long An như Bến Lức, Đức Hòa…Với việc giáp ranh, cùng với giao thông kết nối vùng bài bản, tạo ra sức cầu lớn với bất động sản khu vực này.

Nhưng phát triển chưa  xứng tầm

Với những lợi thế này, thị trường bất động sản khu Tây tưởng chừng như sẽ phát triển rầm rộ, tuy nhiên chưa như kỳ vọng, thị trường khu vực này vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Nhìn tổng thể thị trường, có thể thấy, khu vực này chỉ phát triển mạnh ở thời điểm thị trường bất động sản nóng sốt năm 2007 - 2009, với khoảng 5 dự án chung cư. Sau đó, thị trường đi xuống, tới năm 2015 mới bắt đầu có những dự án mới ở khu Tây Bắc như chung cư 8X plus, chung cư Phúc Yên, chung cư 12 view…

Tiếp đó, ở khu Tây Nam có với những dự án của Hưng Thịnh, Nam Long, Novaland, nhưng tổng thể cũng chỉ có 4 dự án với khoảng hơn 1.000 căn hộ. Trong khi đó, với diện tích được đánh giá là khu lớn nhất Thành phố, lượng dân cao, thì lượng dự án trên vẫn còn nhỏ so với sức cầu. Điều này cho thấy, khu Tây vẫn còn những điểm nghẽn khiến các doanh nghiệp đầu tư bất động sản chưa mạnh dạn rót vốn vào đây.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Asian Holding cho rằng, đối với thị trường khu Tây, nhìn về những nơi dự án bất động sản phát triển đã thấy rõ các chủ đầu tư chỉ nhắm vào những khu đất vàng, có vị trí giao thông tốt nhất. Trong khi đó, quỹ đất phía lõi của khu vực lại không được ngó ngàng tới.

“Nhìn về giao thống, đúng là có sự cải thiện ở những trục đường chính, nhưng nhìn vào tổng thế thì lại không thuận lợi, hệ thống tuyến đường kết nối vào các trục đường chính luôn nhỏ hẹp, chật chội. Ngoài ra, dân cư tại khu Tây đa phần là lao động phổ thông, mức thu nhập không cao, nên nếu đầu tư vào đây chủ đầu tư chỉ có thể phát triển nhà ở giá rẻ, trong khi nếu làm dự án giá rẻ, chủ đầu tư không có lời nhiều.

Một yếu tố nữa, đó là khu Tây có quá nhiều khu, cụm công nghiệp, nên môi trường sống cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khu Tây nằm ngay khu vực vùng cất cánh máy bay của Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, nên khó có thể phát triển chung cư cao tầng…”, ông Hậu nói.

Trong khi bất động khu Tây của TP.HCM còn khá yên ắng, thì thị trường các tỉnh ráp ranh khu vực này lại khá sôi động. Chẳng hạn, tại huyện Đức Hòa (Long Anh), nơi giáp ranh với khu Tây TP.HCM, di chuyển vào trung tâm Thành phố chỉ khoảng 35 phút chạy xe máy bằng trục đường chính Trường Chinh, Cộng Hoà, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A..., thị trường bất động sản tại đây phát triển khá mạnh với những dự án như Cát Tường Phú Sinh của Công ty cổ phần Bất động sản Cát Tường Long An.

Tuy nhiên, có nhiều dự án nhất khu vực này phải kể đến Trần Anh Group với các dự án như Khu dân cư Mỹ Hạnh Hoàng Gia, Mỹ An, Mỹ Khang, Mỹ Thịnh, Mỹ Vượng, Bao Ngoc Residence, khu đô thị Bella Vista, khu nhà ở chuyên gia Vista Land, khu nhà ở kết hợp viện dưỡng lão Phú An City, Tran Anh Riverside.... Tất cả những dự án này đều được Trần Anh đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm và khu vui chơi giải trí, công viên… để phục vụ cho cư dân chuyển về sinh sống.

“Ở một khu vực được cho là chưa phát triển, vẫn có những điểm sáng, nếu nhà đầu tư nắm được xu thế và nhu cầu phát triển của thị trường vẫn có cơ hội kiếm lời. Chọn Đức Hòa phát triển dự án đã được chúng tôi nắm bắt từ nhu cầu thực của thị trường, bởi ở đây giáp ranh TP.HCM, trong khi Đức Hòa hiện có khoảng hơn 40.000 công nhân lao động cho hơn 10 cụm, khu công nghiệp, đây là bộ phận có nhu cầu nhà ở lớn.

Đặc biệt, xu hướng nhà ở của người dân nơi đây vẫn là nhà phố, nên chúng tôi chủ yếu phát triển các dự án nhà phố kèm theo tiện ích sống như công viên, khu vui chơi, bể bơi, siêu thị…”, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group nói.

Theo ông Vinh, thị trường khu Tây TP.HCM sẽ phát triển, nhưng chưa phải lúc này, bởi nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà, dù quỹ đất và chính sách của Thành phố luôn mở cửa với nhà đầu tư địa ốc vào khu vực này.

Để hút nhà đầu tư, chính quyền Thành phố cần có chính sách khác để phát triển vùng, đơn cử như ngoài phát triển giao thông chính, thì hạ tầng giao thông kết nối khu cũng phải được xây dựng, những vị trí ảnh hưởng tới đường bay, nhưng quỹ đất rộng nên chấp thuận cho nhà đầu tư phát triển dự án nhà phố, hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng những dự án nhà ở xã hội tại khu vực này, vì ở đây đa phần là công nhân, người có thu nhập thấp…

Gia Huy - Báo Đầu tư Bất động sản

Tin khác »