Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Lối đi nào cho ngô Việt giành lại ưu thế trên sân nhà?

DDDN | 21/07/2017

Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hàng chục triệu tấn ngô và nhu cầu đang ngày một tăng, tiềm năng to lớn là vậy, tuy nhiên, ngô Việt đang "lép vế". Yêu cầu đặt ra cần xác định lối đi rõ ràng cho ngô nội trong cuộc “xâm lấn” của ngô ngoại. Cụ thể là phát triển cây ngô một cách bền vững, ứng dụng công nghệ hợp lý theo từng vùng sinh thái và nâng cao chuỗi giá trị.

 

Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 8,4 triệu tấn ngô với giá trị 1,7 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, dù chăn nuôi lợn khó khăn nhưng cả nước vẫn nhập khẩu 3,53 triệu tấn, tăng 5,6% về khối lượng. Trước tình thế cạnh tranh mạnh mẽ của ngô nhập khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho ngô trong nước chứng tỏ mình trên sân nhà.

Ngô sinh khối “lên hương”

Ông Hoàng Văn Tuyến, nông dân tại đội sản xuất 77 thị trấn Nông trường huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cho biết: Gia đình bắt đầu trồng ngô lấy sinh khối và xây dựng trang trại bò từ năm 1999. Lúc đầu trang trại nhà tôi chỉ có 5 con bò, sau 18 năm nhân giống hiện nay tổng số bò trong trang trại là 90 con.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa, gia đình ông có canh tác 4,5 ha đất, trong đó 4 ha trồng ngô sinh khối, 0.5 ha trồng cỏ. Trong những năm gần đây tốc độ tăng đàn của bò sữa trong khu vực Mộc Châu Sơn La ước tính xung quanh 15- 20%, vì vậy việc đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa nói chung và việc tăng diện tích trồng ngô sinh khối là rất quan trọng.

Ngô sinh khối là loại ngô trồng để lấy thân, lá, bắp, sau đó thái nhỏ, ủ men để làm thức ăn cho gia súc. Do tiến bộ khoa học, ông Tuyến dùng giống ngô mới, canh tác theo hướng chuyên canh, hiện đại, trồng và thu hoạch bằng máy móc.

Hiệu quả thu được bước đầu được đánh giá rất cao. Thời gian thu hoạch ngô lấy sinh khối ngắn hơn so với trồng ngô lấy bắp khoảng 20-25 ngày nên nông dân có thể tranh thủ trồng 2 vụ ngô một năm.

Trồng ngô lấy sinh khối hiệu quả kinh tế cao hơn 1.6 lần so với canh tác ngô lấy bắp. Ông Tuyến cho biết, 1 ha ngô lấy sinh khối lãi hơn 25,6 triệu đồng trong khi trồng ngô lấy bắp lấy hạt chỉ hơn 15,6 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Phạm Hải Nam, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, cho biết độ gia tăng đàn bò trong những năm gần đây của công ty là rất lớn. Trung bình khoảng 2.800-3.000/con/năm. Tính đến nay tổng đàn bò là khoảng 22,000 con.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: “Trồng ngô sinh khối đã cho hiệu quả kinh tế tăng lên giúp bà con trong tỉnh có thêm thu nhập, nhưng đây không phải là giải pháp duy nhất để đưa trồng ngô đi lên. Quan điểm phát triển sản xuất ngô cần trên cơ sở áp dụng gói kỹ thuật đồng bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Trong quy hoạch của tỉnh Mộc Châu và của công ty, dự tính đến năm 2020, đạt từ 32.000-35.000 con, việc đảm bảo đủ thức ăn là vấn đề quan trọng, đặc biệt là thức ăn ngô ủ ướp. Do vậy, tiềm năng của việc sản xuất ngô sinh khối là rất lớn.

Xác định hướng đi mới

Tiềm năng là vậy, nhưng theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT tồn tại trong ngành ngô Việt nằm ở việc chưa liên kết theo chuỗi giữa sản xuất với chế biến tiêu thụ. Công nghệ sau thu hoạch không được quan tâm đầu tư trong khi việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngô vẫn còn rất thấp, sử dụng phân bón thiếu khoa học gây lãng phí là nguyên nhân làm giảm hiệu quả của sản xuất ngô.

"Chúng ta vẫn thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái nên năng suất không cao, giá thành cao, ít có lợi thế cạnh tranh so với ngô nhập nội"- ông Định nhấn mạnh.

Do đó, ông Định cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất ngô đóng vai trò tối quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Câu chuyện về mô hình trồng ngô sinh khối như tại Mộc Châu cũng là một trong những hướng đi hay để nâng cao giá trị cho cây ngô.

“Việc ứng dụng công nghệ phải được thực hiện ở nhiều công đoạn. Từ việc tạo ra giống ngô tốt, hiện nay đang sử dụng nhiều giống ngô chuyển gen cho năng suất cao, sinh trưởng khỏe mạnh, kháng được sâu bệnh. Công nghệ cũng được ứng dụng trong canh tác, gieo trồng, làm đất, thu hoạch…” – ông Định cho biết thêm.

Cùng với đó, khâu chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng đóng vai trò tối quan trọng. Để có được chất lượng ngô đồng đều, bảo quản được lâu cần sử dụng công nghệ chế biến sâu. Trước đó, quá trình sấy, làm sạch ngô, phân loại ngô cũng được làm một cách công nghiệp hóa.

Do đó, Cục Trồng trọt đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm phát triển cây ngô. Thứ nhất, phải có phương án quy hoạch cần gắn chặt sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngô.

Thứ hai, ứng dụng khoa học, công nghệ và khuyến nông vào sản xuất ngô. Thứ ba, tổ chức sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với nông dân/HTX sản xuất, thu mua ngô tươi tại các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp/tổ chức/HTX/cá nhân đầu tư hệ thống sấy ngô cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung.

Thứ tư, giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Vấn đề cần đặt ra đối với sản xuất ngô trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu.

Thứ năm, về cơ chế chính sách, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả một số chính sách như tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn...

Nâng cao chuỗi giá trị

Trong khi đó, đại diện của CropLife (Hiệp hội các công ty đa quốc gia phát triển giải pháp công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và công nghệ sinh học trong nông nghiệp), cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị sản xuất ngô ở Việt Nam. Đặc biệt, là tạo được sự liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp cung ứng, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp tiêu thụ.

Theo đó, nhà khoa học nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ trồng ngô. Xây dựng chuyển giao các quy trình kỹ thuật canh tác cho nông dân.

Doanh nghiệp cung ứng thì ứng dụng công nghệ cao vào giống, quản lý dịch hại, cải tiến các biện pháp canh tác, đào tạo huấn luyện chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân. Doanh nghiệp tiêu thụ làm nhiệm vụ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Xây dựng mạng lưới phân phối thu mua, bảo quản ngô.

Nhà quản lý thì tạo các chính sách phù hợp, thuận lợi cho ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức sản xuất tập trung, quy mô.

Khi tạo được sự liên kết 4 nhà này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển cây ngô ở Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh, đưa cây ngô trở thành cây có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam. 

Dương Nguyễn

Tin khác »