Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

“nóng” đến giờ chót

TBKTSG | 29/06/2017

Cuối tuần này, ngày 30-6-2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) sẽ tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Hỏi một lãnh đạo của Sacombank, vị này cho biết danh sách các thành viên hội đồng quản trị, kể cả thành viên độc lập, đã được dự kiến và đã trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng cơ quan quản lý chưa có trả lời chính thức.

 

Hỏi một lãnh đạo NHNN về cơ cấu nhân sự hội đồng quản trị Sacombank, ông nói nửa đùa nửa thật rằng “còn tới cả tuần, đi đâu mà vội. NHNN phê duyệt nhân sự các tổ chức tín dụng nơi nhận được sự quan tâm “đặc biệt” của thị trường có khi chỉ một ngày trước đại hội”.

Một nguồn tin đáng tin cậy từ Vietcombank xác nhận theo chỉ đạo của NHNN, Vietcombank đã đề cử ba người tham gia vào hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát Sacombank. Còn liệu cơ quan quản lý có chấp thuận những người này không, thì vẫn phải chờ.

Ngoài Sacombank, việc “săn lùng” nhân sự cấp cao của các ngân hàng, nhất là các tổ chức tín dụng cổ phần, ngày càng được chú ý. Các ông chủ thực sự trong giới ngân hàng giờ đây không còn “say mê” đứng chức chủ tịch. Họ sẵn sàng lùi về phía sau, nhường vị trí ấy cho những người có uy tín và có tiếng tăm về năng lực đứng mũi chịu sào. Những người này thường đã từng làm việc cho các ngân hàng nước ngoài, công ty kiểm toán ngoại hoặc từng lãnh đạo bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh đầu ngành, hoặc xuất thân từ bên tài chính. Nếu có năng lực, kinh nghiệm và lại thêm khả năng giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, không sớm thì muộn, họ cũng gật đầu với đề nghị hấp dẫn về thu nhập, môi trường làm việc thông thoáng và có quyền điều hành (tự quyết) nhất định.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nửa quốc doanh nhận xét sở dĩ quyền tự quyết nhất định được cân nhắc là bởi ở vai trò làm thuê, nhân sự cấp cao các ngân hàng như tổng giám đốc phải thông hiểu được ý định của các ông chủ, nhất là trong hoạt động tín dụng hoặc bảo lãnh, nhưng họ đồng thời phải tuân thủ các quy định pháp lý nhằm giữ an toàn cho bản thân.

Thí dụ, cho công ty sân sau của ông chủ vay vốn với một hạn mức tín dụng thích hợp đến mức nào đó thì họ chấp nhận. Còn khi việc cung ứng vốn vượt quá xa hạn mức quy định, họ buộc phải “nhắc khéo” ông chủ. “Không thể biện minh anh không nắm rõ nghiệp vụ nọ, nghiệp vụ kia một khi anh ở vị trí tổng giám đốc hay phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng” - vị phó tổng nêu trên nói - “Nhiều khi anh phải chủ động gỡ từng trường hợp đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn. Áp lực chỉ tiêu về tăng trưởng tổng tài sản và lợi nhuận hàng năm đối với ban tổng giám đốc cao, thường ở mức hai con số, rồi còn đó việc đào tạo đội ngũ nhân viên cấp chi nhánh, phòng giao dịch, có thể cả mức thấp hơn như trưởng, phó các phòng, ban”.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng đang đăng ký giao dịch trên sàn UpCom, ngân hàng càng ít ông chủ thực, thì càng dễ làm việc. Những ông chủ này ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, họ kín tiếng, và đa phần họ làm việc trên mười tiếng/ngày, khiến cho các nhân sự cấp cao ở vị trí làm thuê cũng phải chạy theo. Trong giới ngân hàng, những cặp ông chủ và tổng giám đốc ăn ý nhau không hiếm. Khi sự gắn bó giữa hai bên đã được thử thách và trải nghiệm qua thời gian, tổng giám đốc thường được cất nhắc lên chủ tịch hay phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị. Họ bắt đầu mua vào từ vài trăm ngàn đến vài triệu cổ phiếu ngân hàng đó để sở hữu và thể hiện sự cam kết có mặt lâu dài tại đây.

Ở các nước, các ông chủ ngân hàng thường đi lên, khởi nghiệp sự nghiệp doanh nhân tại những lĩnh vực khác. Sau đó khi đã thành công, họ mới đầu tư vào ngân hàng. Chính vì thế hoạt động ngân hàng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt, xét cả về mặt đạo đức, nhằm tránh cho họ sự mất mát vốn liếng đầu tư, uy tín.

Ở Việt Nam quy trình này ngược lại. Không ít doanh nhân làm ông chủ ngân hàng trước với nhiều cách góp vốn khác nhau và lấy ngân hàng làm chỗ dựa để mở rộng các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản.

Trở lại với Sacombank, trong danh sách nhân sự hội đồng quản trị trình NHNN, có cả những gương mặt cũ và mới. Những gương mặt mới không chỉ đến từ Vietcombank, mà cả từ chính Sacombank ra, cộng thêm gương mặt từ một ngân hàng khác. Về nguyên tắc, tổng giám đốc sẽ do hội đồng quản trị mới lựa chọn mà không cần phải được cơ quan quản lý phê duyệt, nhưng vẫn cần phải báo cáo NHNN như một luật bất thành văn. Và thường tổng giám đốc có chân trong hội đồng quản trị, tức cũng đã được NHNN xem xét trước đó rồi.

***

Sáng 29-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức phê duyệt danh sách nhân sự để đại hội đồng cổ đông Sacombank bầu hội đồng quản trị vào ngày 30-6. Danh sách này gồm sáu người:

1. Ông Dương Công Minh
2. Ông Kiều Hữu Dũng
3. Ông Nguyễn Xuân Vũ
4. Ông Nguyễn Miên Tuấn
5. Ông Phạm Văn Phong
6. Bà Lê Thị Hoa

Trong số này có hai người nguyên là thành viên HĐQT nhiệm kỳ hiện tại tính đến ngày họp đại hội đồng cổ đông 2017 của Sacombank là ông Kiều Hữu Dũng và ông Nguyễn Miên Tuấn.

Ông Nguyễn Xuân Vũ hiện đang là Phó tổng giám đốc Sacombank. Ông Phạm Văn Phong, nguyên là giám đốc chi nhánh Vietcombank tỉnh Daklak và bà Lê Thị Hoa hiện là thành viên hội đồng quản trị Vietcombank. Cả hai người này đều do Vietcombank cử sang theo chỉ đạo của NHNN. Bà Hoa là thành viên độc lập.
Ngoài ra, Vietcombank cũng cử thêm một người tham gia Ban kiểm soát Sacombank là ông Trần Minh Triết. Dự kiến Ban kiểm soát Sacombank sẽ có bốn thành viên.

Hải Lý

Tin khác »