Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Thủy sản thụ động về nguyên liệu

TBKD | 24/04/2017

Mỗi năm, thủy sản Việt Nam đang phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu từ chính những nước vốn là đối thủ cạnh tranh của mình trên thị trường xuất khẩu. Thực tế đáng buồn này cho thấy, dù được coi là cường quốc xuất khẩu thủy sản của thế giới song việc thụ động về nguồn nguyên liệu đang khiến ngành này mất lợi thế cạnh tranh về giá, kéo theo tình trạng sản xuất, chế biến bấp bênh, thiếu bền vững.

 

Mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3/2017 ước đạt 537 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thuỷ sản ba tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 3/2017 đạt 104 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thuỷ sản ba tháng đầu năm đạt 306 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu ngày càng tăng

Như vậy, tốc độ tăng giá trị nhập khẩu thủy sản đang cao hơn gần mười lần tốc độ xuất khẩu cho thấy thực trạng “ăn đong” nguyên liệu của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản ngày càng rõ nét. Đặc biệt, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong vòng sáu năm nay, lượng và giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tăng rất mạnh.

Cụ thể, trị giá nguyên liệu nhập khẩu năm 2010 là 3,25 triệu USD, song đến năm 2015 đã đạt hơn 1 tỷ USD và sang năm 2016, kim ngạch nhập khẩu thủy sản đạt 1,106 tỷ USD. Bộ Công Thương đánh giá, kim ngạch nhập khẩu thủy sản năm 2016 đạt 1,106 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2015.

Các chủng loại thủy sản nhập khẩu nhiều nhất là tôm, cá ngừ, mực… chủ yếu là nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản sau Trung Quốc, Ấn Độ và giữ vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn thủy sản nuôi toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đang chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất phục vụ xuất khẩu (hiện chỉ đủ 40 – 45% công suất chế biến) nên phải nhập khẩu nguyên liệu để duy trì đơn hàng.

Thực tế, thời gian qua, quy mô công suất của các nhà máy chế biến thủy sản lớn tăng nhanh, song do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh, diện tích nuôi và sản lượng tôm của Việt Nam chỉ tăng trung bình 5 – 6%/năm, cho nên các DN chế biến tôm Việt Nam hằng năm phải nhập khẩu lượng lớn tôm nguyên liệu (chiếm 50 – 70% tổng lượng thủy sản nhập khẩu của Việt Nam) để phục vụ xuất khẩu nhằm bảo đảm công suất chế biến và tận dụng cơ hội phát triển thị trường.

Bên cạnh các thị trường cung cấp thủy sản lớn cho Việt Nam là Ấn Độ với kim ngạch khoảng 276 triệu USD, giảm 14,2% so với năm 2015; Na Uy khoảng 104,2 triệu USD, tăng 32%, thủy sản Việt Nam còn được nhập khẩu từ một số thị trường khu vực châu Á như Đài Loan (97 triệu USD), Nhật Bản (71,8 triệu USD), Trung Quốc (71 triệu USD)…

Phân tích riêng mặt hàng tôm, Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, các DN Việt Nam đã phải chi gần 426 triệu USD để nhập khẩu tôm, chiếm 40% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản. Về thị trường, Việt Nam nhập khẩu tôm nguyên liệu từ 37 nước, trong đó tôm chân trắng và tôm sú sống – đông lạnh chiếm phần lớn với tỷ trọng lần lượt là 65,9% và 20,3%, còn lại là các loại tôm khác.

Ngoài lý do dịch bệnh, vùng nuôi bị thu hẹp, giá tôm nguyên liệu nhập khẩu vẫn thấp hơn giá tôm nguyên liệu trong nước 1 – 2 USD/kg, tương đương 22.000 – 44.000 đồng/kg, nên DN chế biến sẽ chọn nhập khẩu để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình trên thị trường xuất khẩu.

Đối với ngành cá tra, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, lượng cá cung ứng cho các nhà máy mới đáp ứng 50% do sản lượng giảm, diện tích nuôi cá tra thu hẹp mặc dù nhiều DN hiện nay đã đầu tư vùng nguyên liệu riêng, ước chiếm khoảng 80% tổng diện tích nuôi cá tra. Song thực tế, không phải lúc nào nhà máy cũng chế biến hết được lượng cá đến lứa thu hoạch, hoặc có lúc cần tăng sản lượng để đáp ứng các đơn hàng lại phải tìm mua bên ngoài do không tìm đủ nguyên liệu để chế biến.

Tốc độ tăng giá trị nhập khẩu thủy sản đang cao gấp mười lần tốc độ xuất khẩu

Cạnh tranh kém

Trước thực tế đó, các chuyên gia dự báo, giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu của các DN Việt Nam hiện đã đạt hơn 1 tỷ USD và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, cùng với việc gia tăng nhập khẩu giống thủy sản và hàng thương phẩm từ Trung Quốc qua các cửa khẩu sẽ là thách thức lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản vốn đang phát triển thiếu bền vững như hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Viện Nghiên cứu Thương mại, việc các DN Việt Nam vẫn phải gia tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu sẽ dẫn đến tình trạng giảm sút năng lực cạnh tranh về giá. Trong khi đó, thị trường nguyên liệu thủy sản nội địa có nguy cơ bị thâu tóm do những mánh khóe kinh doanh của thương lái Trung Quốc, dẫn đến rối loạn thị trường nguyên liệu và thiếu hụt nguồn nguyên liệu tại chỗ cho chế biến xuất khẩu.

Đối với cạnh tranh về giá, điển hình là Ấn Độ – quốc gia có giá xuất khẩu tôm rẻ hơn Việt Nam, có thời điểm chênh lệch đến 2 USD/kg, nên đã trở thành nguồn cung tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 74,7% tổng nhập khẩu tôm năm 2015 khiến Việt Nam không thể cạnh tranh về thị trường xuất khẩu với Ấn Độ.

Điều này cho thấy, giá thành sản xuất nguyên liệu thủy sản của Việt Nam còn cao, ước tính cao hơn Ấn Độ, Thái Lan từ 10 – 30%. Nguyên nhân là do có nhiều yếu tố tác động làm giá thành sản phẩm cao như giống, thức ăn, các vật tư đầu vào, tổn thất sau thu hoạch, điện, nước…

Trong khi đó, mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đang gặp phải những rào cản lớn về tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường, mà các thị trường xuất khẩu chính lại là những thị trường có tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt và thay đổi theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, không chỉ những thị trường lớn mà các thị trường lân cận trong khu vực như Malaysia, Indonesia cũng đang tạo áp lực về thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản nhập khẩu Việt Nam, gây bất lợi và thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm cho Việt Nam.

Cũng vì những rào cản này nên một số DN thủy sản đã phải chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường “thoáng” về chất lượng, không áp dụng các loại thuế hay rào cản kỹ thuật chẳng hạn như Trung Quốc. Tuy nhiên điều này đã trở thành thách thức không nhỏ đối với thủy sản Việt Nam khi muốn hướng tới các mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững.

Vì vậy, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khuyến cáo, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu, các DN, hộ dân cần liên kết với nhau tạo thành chuỗi khép kín. Còn Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn, VietGap để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào tới thương phẩm.

Lê Thúy

Tin khác »