Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Lợi nhuận doanh nghiệp thép quý I giảm 50%, khó khăn còn ở phía trước

NDH | 14/05/2019

Doanh thu tăng so với cùng kỳ nhưng do biên lợi nhuận gộp giảm do giá các yếu tố đầu vào tăng.

 

Lợi nhuận đồng loạt giảm

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặc dù giá thép tăng cao, nhưng mức tiêu thụ vẫn rất tốt. Sản xuất các sản phẩm thép quý I đạt hơn 6 triệu tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2018. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 1,3 triệu tấn, tăng 11,7%.

Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 1 xuất khẩu sản phẩm từ sắt, thép tăng so với tháng 12/2018; tháng 2 giảm 39,7% so với tháng 1, nhưng đến tháng 3 tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong quý I lại không được tương quan. Thống kê khoảng 33 doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, tổng doanh thu thuần đạt khoảng 53.700 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu 33 doanh nghiệp ngành thép. ĐVT: Tỷ đồng

Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh. Tổng giá vốn của 33 doanh nghiệp thép đạt 49.100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ khiến tổng lợi nhuận gộp chỉ còn lại 4.600 tỷ đồng, giảm 27%.

Biên lợi nhuận gộp 33 doanh nghiệp ngành thép. ĐVT: %

9 doanh nghiệp thép đứng đầu về lãi gộp quý I đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Hai doanh nghiệp đầu ngành là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) có lợi nhuận gộp giảm lần lượt 12% và 23%. Việc giá nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp thép báo lỗ như Thép Pomina (HoSE: POM), Thép Việt Ý (HoSE: VIS)...

Lợi nhuận sau thuế 33 doanh nghiệp ngành thép. ĐVT: Tỷ đồng

Trong số 33 doanh nghiệp công bố lợi nhuận thì có đến 12 doanh nghiệp báo lỗ, 16 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ, và chỉ 5 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận (1 doanh nghiệp chuyển từ lỗ quý I/2018 sang lãi quý I/2019).

Thép Nam Kim (HoSE: NKG) là đơn vị gây thất vọng nhất trong quý I khi báo lỗ lên đến 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 121 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp Nam Kim báo lỗ, quý IV/2018 lỗ đến 173 tỷ đồng.

Tương tự Nam Kim thì Pomina lỗ 84 tỷ đồng trong quý I, trong khi cùng kỳ lãi hơn 209 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng như nhiều doanh nghiệp thép khác đó là giá vốn tăng cao.

Dù cũng có lợi nhuận sụt giảm tương tự phần lớn các doanh nghiệp ngành thép khác, nhưng Hòa Phạt đạt gần 15.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% và lãi sau thuế 1.810 tỷ đồng, giảm 18,5%. Lợi nhuận của riêng "anh cả" ngành thép gấp đến 5,6 lần tổng lợi nhuận của 20 doanh nghiệp báo lãi. Nếu loại trừ Hòa Phát, thì 32 doanh nghiệp thép còn lại lỗ 86 tỷ đồng.

Có thể sẽ còn rất xa để một doanh nghiệp thép niêm yết trên sàn đuổi kịp Hòa Phát.

Ngành thép đối mặt nhiều khó khăn

Đầu năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch tương đối thận trọng do nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng mạnh. Theo nhận định của Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), năm 2019, ngành thép dự kiến sẽ phải đối mặt với cạnh tranh tăng cao khi sản lượng tiêu thụ dự kiến chỉ duy trì ở mức tăng trưởng 10% tương đương năm 2018 nhờ các dự án BĐS lớn được triển khai ở Hà Nội và TP HCM.

Tuy nhiên nguồn cung dự kiến sẽ tăng mạnh khi các nhà máy thép mới được đi vào hoạt động.

Đồng thời, giá các loại nguyên liệu đầu vào (giá quặng sắt, giá điện) tăng đột biến. Gần đây nhất, Bộ Công Thương thông báo tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20/3. Việc tăng giá điện này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp ngành thép có sử dụng công nghệ sản xuất điện hồ quang EAF và POM là một trong những doanh nghiệp dùng công nghệ này. Ngoài ra giá quặng sắt giữ ở mức cao cũng phần nào ảnh hưởng đến KQKD của nhóm ngành này.

BSC dự báo lợi nhuận của ngành thép trong năm 2019 giảm tương đối mặc cho doanh thu tiếp tục tăng trưởng. BSC cho rằng việc tăng giá của các loại nguyên vật liệu sẽ tác động mạnh lên giá vốn của các doanh nghiệp thép bắt đầu từ quý II. Giá bán các mặt hàng thép mặc dù đã tăng theo giá nguyên vật liệu nhưng mức độ tăng vẫn còn thấp, khoảng 8% và dự kiến sẽ tăng mạnh hơn mức hiện tại. Do đó biên lợi nhuận gộp của ngành dự kiến sẽ giảm tương đối bắt đầu từ quý II.

Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ tại các thị trường nước ngoài đã khiến ngành thép Việt Nam nói chung và ngành tôn nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Bình An

Tin khác »