Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

“Danh sách đen” vẫn “ám ảnh” thép Việt - Trung

DDDN | 18/01/2019

Nằm trong "danh sách đen" 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương, năm 2018, lỗ lũy kế dự kiến của thép Việt - Trung vẫn còn 630 tỷ đồng, nợ ngân sách trên 900 tỷ đồng.

 

Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Vn Steel cho biết, Nhà máy thép Việt - Trung đã có 2 năm hoạt động có hiệu quả liên tục, năm 2017 lãi 405 tỷ đồng, năm 2018 lãi 458 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhà máy còn phụ thuộc vào chính sách bảo hộ phôi thép của ngành công thương, vào tiêu thụ quặng, đặc biệt hiện mất cân đối vốn rất lớn. “Lỗ lũy kế dự kiến năm 2018 còn 630 tỷ đồng, nợ ngân sách trên 900 tỷ đồng…”, ông Phúc cho biết. 

Bình luận về nguyên nhân này, ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại chia sẻ, thép là một trong vài ngành được bảo hộ nhiều và lâu nhất. Thực ra, ngành thép Việt Nam phát triển rất kém, chủ yếu là thép xây dựng, còn thép đặc chủng để sản xuất những chi tiết làm máy móc hiện đại thì ngành thép Việt Nam chưa làm được. Chính vì được bảo hộ lâu đã khiến ngành thép thiếu sức cạnh tranh, chất lượng yếu, giá thành đắt vì vậy ngành thép của chúng ta rất sợ mở cửa hội nhập.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, theo xu hướng hội nhập, Việt Nam không thể đóng cửa, áp dụng rào cản thương mại mãi. Đứng trước hiện tượng đó, để cạnh tranh, ngành thép dùng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng làm như vậy cũng chỉ được 1-2 lần. Điều quan trọng là tự bản thân ngành thép phải thay đổi, phải cải cách, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Nếu cứ trông chờ biện pháp phòng vệ như vậy thì không thể tồn tại được. Ngành thép Việt Nam đầu tư quá lớn, theo phong trào điều này là do quy hoạch và chiến lược của Nhà nước sai lầm. Bản thân ngành thép nên cơ cấu lại, đưa khoa học công nghệ vào và liên kết với nhau, lấy năng suất chất lượng làm đầu, không thể trông chờ vào những biện pháp phòng vệ mãi được.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá, năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam yếu và chưa có hướng thoát rõ ràng, trong khi hướng cần tập trung thì không tập trung. Ví dụ như, việc chọn loại thép phát triển không phù hợp. Chúng ta quá tập trung vào thép xây dựng, trong khi thép xây dựng thì dư thừa và thua Trung Quốc, còn một số loại thép như thép đóng tàu, một số loại thép đặc biệt… đang thiếu thì không sản xuất.

Do đó, ông Phong kiến nghị, ngành thép, hay cụ thể là Nhà máy Thép Việt Trung nên tập trung vào thép đặc thù, đặc biệt để phát triển chứ không nên chạy theo những chủng loại thừa. Còn biện pháp tự vệ, giải pháp này chúng ta làm chưa tới, chọn chưa đúng thời điểm cũng như cách làm, khiến cho thay vì để hạn chế thép Trung Quốc thì lại tăng thêm, thành ra ngược với mục tiêu ban đầu.

Dự án nhà máy thép Việt – Trung là một trong 12 đại dự án thua lỗ, chậm tiến độ của ngành Công Thương. Dự án có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động tháng 12/2014, dự án đã lỗ 91 tỷ đồng. Tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài trong 2 năm tiếp theo khiến khoản lỗ lũy kế đến hết năm 2016 lên đến 1.077 tỷ đồng.

Mặc dù trong thời gian qua, dự án đã “gượng dậy” và bắt đầu có lãi. Bộ Công Thương đang có kiến nghị rút dự án ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu Nhà máy còn phụ thuộc vào chính sách bảo hộ phôi thép của ngành công thương... thì việc thoát khỏi "danh sách đen", nếu có, chỉ là hình thức, chứ chưa thể thực chất.

Nguyễn Việt

Tin khác »