Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Ngành thép đối diện cuộc sàng lọc thứ hai, DN mạnh và linh hoạt sẽ tồn tại?

NDH | 16/01/2019

Nhiều yếu tố bất lợi đã và đang tác động ngày càng mạnh lên các doanh nghiệp thép, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp đã suy giảm trong 3 quý đầu năm 2018 và dự báo quý IV tiếp tục suy yếu.

 

Lợi nhuận doanh nghiệp thép tiếp tục giảm trong quý IV/2018

Trao đổi với NDH, Giám đốc Tài chính một công ty thép lớn trên thị trường chia sẻ dưới tác động của chiến tranh thương mại và nhiều yếu tố không thuận lợi, ngành thép năm 2018 khá tiêu cực, đặc biệt là quý cuối năm. Dự kiến, diễn biến này sẽ còn kéo dài sang quý I năm 2019.

Trong khi đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2018-2019, đại diện Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cho biết quý I (1/10-31/12/2018) công ty ghi nhận sản lượng khoảng 428.000 tấn và lợi nhuận sau thuế ước hơn 60 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ niên độ trước.

Niên độ 2018 – 2019, HSG xây dựng kế hoạch kinh doanh gồm sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ 7% lên 2 triệu tấn, doanh thu thuần giảm 9% xuống 31.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 500 tỷ đồng, tăng 22%. Như vậy, hết quý I, Hoa Sen mới thực hiện được 12% kế hoạch năm.

Chỉ tiêu lợi nhuận niên độ mới tuy tăng trưởng so với thực hiện niên độ trước nhưng là kế hoạch thấp nhất trong 3 năm gần đây, hai niên độ trước Hoa Sen đề ra kế hoạch lãi lần lượt 1.650 tỷ và 1.350 tỷ đồng.

Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), ban lãnh đạo báo cáo tổng lợi nhuận sau thuế của 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư của tổng công ty chỉ đạt 1.212 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2017. Trong hệ thống, chỉ có 14 công ty hoàn thành kế hoạch, có mức tăng trưởng và rất nhiều đơn vị không hoàn thành kế hoạch hoặc hoàn thành nhưng không có tăng trưởng.

Cuộc thanh lọc thứ hai, kẻ mạnh mới tồn tại

Sau cuộc khủng hoảng ngành thép giai đoạn 2014-2015, nhiều doanh nghiệp thép đã không thể vực dậy, điển hình là trường hợp của CTCP Hữu Liên Á Châu liên tiếp ghi nhận các khoản lỗ khủng từ năm 2013, cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển xuống giao dịch thị trường UPCoM rơi về vùng giá 300 đồng/cp và dần rơi vào lãng quên.

Qua 2 năm thăng hoa, ngành thép đang phải đối mặt với cuộc thanh lọc thứ hai. Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, trong năm 2018, những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường tôn – thép đã bộc lộ và bước đầu tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Giá thép nguyên liệu biến động liên tục, gây ảnh hưởng đến giá vốn. Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu suy giảm bởi các cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và rào cản thuế quan được dựng lên do sự “trỗi dậy” của chính sách bảo hộ sản xuất. Ngành thép Việt Nam trong năm 2018 phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn, làm tăng thêm trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, dư thừa nguồn cung, cộng với sản lượng thép nước ngoài kém chất lượng, giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam làm cho mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ông Vũ dự báo ngành thép năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều bất lợi và viễn cảnh khó lường trước tác động của yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, thị trường có thể diễn ra sự sàng lọc lớn.

Theo báo cáo chiến lược của CTCK Rồng Việt (VDSC), mối đe dọa từ chiến tranh thương mại và yếu tố chu kỳ kinh tế dẫn đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị suy giảm, kéo theo nhu cầu thép tại đây cũng giảm. Do Trung Quốc chiếm 50% tổng lượng tiêu thụ thép trên toàn thế giới, tình trạng này khiến tốc độ tăng trưởng của nhu cầu thép toàn cầu suy giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng cũng là một khó khăn mà ngành thép Việt Nam phải đối phó, đặc biệt là đối với các công ty tôn mạ. Quý III/2018, Việt Nam đã phải đối mặt với tám vụ kiện từ bảy quốc gia trong một tháng gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu thép của Việt Nam. Nhiều khả năng ngành thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện trong tương lai.

Tại Việt Nam, thị trường bất động sản hạ nhiệt và năng lực sản xuất của các nhà máy thép gia tăng có thể làm cho cạnh tranh gay gắt hơn. Đối với sản phẩm thép xây dựng, tâm điểm cạnh tranh có thể là ở khu vực miền Nam bởi vì các sản phẩm của nhà máy Dung Quất Hòa Phát cần tìm thị trường mới. Với ngành tôn mạ, tổng công suất thiết kế hiện tại đã vượt nhu cầu (hơn 5 triệu tấn công suất so với chỉ khoảng 4 triệu tấn tiêu thụ). Một số nhà máy tôn mạ mới cũng có kế hoạch gia nhập thị trường như của Hòa Phát và điều này có thể làm giảm tỷ lệ khai thác nhà máy của ngành tôn mạ.

Mặt khác, thuế tự vệ của Việt Nam với phôi thép và thép cây sẽ kết thúc vào năm 2020, dẫn đến lo ngại về một viễn cảnh thép Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường. Một tác động tiêu cực khác là các sản phẩm thép của Trung Quốc có thể trốn thuế chống bán phá giá của Mỹ bằng cách xuất khẩu sang Việt Nam làm trung gian và sau đó từ Việt Nam xuất khẩu ngược lại sang Mỹ.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng vẫn có nhiều cơ hội cho những công ty có thể cho thấy sự linh hoạt trong thời gian khó khăn tại cả ở Việt Nam và thị trường quốc tế. Các nhà sản xuất thép Việt Nam cũng đang tích cực khai thác các thị trường xuất khẩu mới, sản phẩm thép của Việt Nam có nhiều thị trường xuất khẩu hơn trước. Tuy giá trị xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Indonesia và Thái Lan không tăng đáng kể nhưng Campuchia lại trở thành thị trường ưa thích của các nhà xuất khẩu thép Việt Nam nhờ vào việc ngành xây dựng ở đây đang bùng nổ. Campuchia trở thành mục tiêu nằm trong kế hoạch của các nhà sản xuất thép Việt Nam và HPG đã xác định thị trường này sẽ là thị trường quốc tế quan trọng nhất trong năm tới.

Tin khác »