Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Giấy nội mong manh vì manh mún

TBKD | 06/11/2018

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp (DN) sản xuất giấy trong nước có năng lực chưa tương xứng với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì nguồn vốn ít, quy mô nhỏ. Trong khi đó, các DN FDI có khả năng cạnh tranh với các DN thế giới vì có tiềm lực về quy mô, vốn, kỹ thuật và nhân lực. Số DN FDI chỉ đếm trên đầu ngón tay song nắm tới gần 50% thị phần ngành giấy, sản xuất ra những sản phẩm giấy có giá trị nhất.

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2018, tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành giấy ổn định. Thị trường giấy in, giấy viết có nhiều khởi sắc, nhu cầu tiêu thụ giấy in, giấy viết luôn ở mức cao, giấy tồn kho giảm mạnh. Chỉ số sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

FDI nắm "phần ngon"

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), ghi nhận trong lịch sử tăng trưởng các ngành công nghiệp Việt Nam, ngành giấy có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% vào giai đoạn 2000- 2007 và 16% giai đoạn 2008-2016.

Theo dự kiến, nhu cầu giấy của Việt Nam trong thời gian tới có mức tăng trưởng 8-10%/năm.

Hiện nay, sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và cho sản xuất.

Riêng đối với giấy bao bì, nhu cầu sử dụng cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng rất lớn, vì vậy việc tăng năng lực sản xuất còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến, nhìn nhận ngành giấy Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, còn kéo dài 10-15 năm tới. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, các DN FDI hiện đang đóng vai trò dẫn dắt ngành giấy từ việc đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến đến chất lượng sản phẩm.

"Đây vừa là khó khăn nhưng cũng vừa là động lực cho DN ngành giấy Việt Nam cân nhắc có đầu tư phù hợp đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi phát triển bền vững của ngành này", ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Tổng Giám đốc công ty Giấy Việt Trì, ngành giấy trong nước có trên 300 xí nghiệp, sản xuất 3,5 triệu tấn/năm. Số DN FDI chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng chiếm tới 48% thị phần ngành giấy, phần còn lại thuộc về gần 300 DN trong nước. Điều này thể hiện sự manh mún, lạc hậu của các DN giấy trong nước.

Hơn nữa, trong số gần 300 DN giấy trong nước chỉ có trên 10 DN làm giấy bao bì cho ngành bánh kẹo; còn giấy bao bì cho hàng điện tử hoàn toàn là do DN FDI đảm nhận.

"DN FDI đã giàu, đã mạnh, lại làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng nhất, trong khi DN Việt chỉ làm ra sản phẩm có giá trị thấp. Với đà này, chỉ 3-7 năm nữa, các DN FDI sẽ chiếm 75% tổng sản lượng", ông Hiện lo lắng.

Cùng với đó, các DN trong nước cũng phải chật vật cạnh tranh, không những không chủ động được sản xuất, kiểm soát được thị trường mà dễ dàng bị đánh bật trước các thương hiệu giấy ngoại nhập từ Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản…

Theo Bộ Công Thương, thị trường giấy in, giấy viết cạnh tranh hết sức gay gắt với giấy nhập khẩu. Điều đáng lo ngại là giấy của các thương hiệu ngoại vượt trội hơn hẳn sản phẩm giấy trong nước nên được người tiêu dùng lựa chọn.

Cần ưu đãi và liên kết

Theo Bộ Công Thương, nút thắt lớn nhất của ngành giấy là vì phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Do có sự mất cân đối giữa sản xuất bột giấy và sản xuất giấy trong những năm qua, hàng năm ngành giấy vẫn phải nhập một lượng bột giấy khá lớn cho sản xuất, trong khi giá bột giấy nhập khẩu không ngừng tăng.

Ông Hiện cho biết nguyên liệu đang là nút thắt chính của ngành này. "Một năm, Việt Nam bán 9-10 triệu tấn dăm gỗ, có thể dùng để sản xuất ra 3,5 triệu bột giấy. Chúng ta cũng trồng hàng triệu héc ta bạch đàn, song rồi xuất đi, khoản sinh lời chính thì nước khác hưởng, để rồi sau đó Việt Nam lại mua bột giấy về sản xuất giấy. Như vậy, một năm, chúng ta còng lưng xuất cho người ta nấu bột giấy, song chính chúng ta lại nhập thành phẩm về", ông Hiện chia sẻ.

Ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đặt câu hỏi: Tại sao ngành giấy Việt Nam còn kém cạnh tranh hơn các nước trong khu vực. Lý do vì sao, có phải là do chính sách?

Lâu nay, Việt Nam vẫn xếp ngành giấy vào ngành công nghiệp nhẹ, nhưng ông Dũng cho rằng không "nhẹ" vì trong cơ cấu nhà máy giấy còn có nhiều nhà máy thành phần.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ để ngành giấy phát triển chưa đạt yêu cầu. Ông Dũng điểm lại một loạt nhà máy bột giấy phải dừng hoạt động như dự án nhà máy bột giấy Kom Tum với tổng mức đầu tư 244,4 triệu USD, sau 5 năm triển khai đã phải chấm dứt hoạt động; nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư 3.000 tỷ đồng phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Hay ngay cả khi tiến trình cổ phần hóa các nhà máy giấy được đẩy mạnh nhưng rồi việc huy động vốn thông qua công tác cổ phần hóa cũng không được như mong muốn, ngành giấy tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn. Điều này cho thấy ngành giấy có nhiều cơ hội nhưng đã để cơ hội đó trôi đi mất.

Cũng theo các chuyên gia, các DN trong ngành cần phải liên kết với nhau để có thể hy vọng phát triển nhanh vùng nguyên liệu tại chỗ cho ngành, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng cao.

Mặt khác, VPPA cho rằng các DN FDI có lợi thế trong việc tranh giành thị trường giấy phế liệu nhập khẩu và thu gom trong nước, khiến các DN giấy Việt Nam càng kém về năng lực cạnh tranh.

Vì vậy, hiệp hội này khuyến nghị Nhà nước chỉ nên khuyến khích DN FDI đầu tư vào sản xuất những sản phẩm giấy hiện Việt Nam chưa sản xuất được, phải nhập khẩu như các loại giấy tráng phấn, giấy sử dụng cho các mục đích đặc biệt.

Cũng như các DN ngành giấy hiện nay mới chỉ tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại, trong khi các ưu đãi về thuế, vốn vay hay tiếp cận nguồn vốn ODA, chưa được hưởng.

"Để đảm bảo ngành giấy có cơ hội cạnh tranh và tạo ra sự bứt phá, DN cần sớm được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi", đại diện VPPA đề xuất.

 

Lê Thúy

Tin khác »