Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Thép Việt "loay hoay" trong vòng xoáy kiện phòng vệ

DDDN | 13/09/2018

Chỉ trong hơn một tháng qua (từ ngày 16/7 đến 9/8), thép Việt tiếp tục đối diện với 10 vụ khởi kiện, áp thuế phòng vệ thương mại tại 9 thị trường xuất khẩu.

 

"Rầm rộ" kiện phòng vệ

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng vừa qua, ngành thép phải chịu áp lực kiện phòng vệ, chống bán phá giá với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại khác nhau. Điều này đưa ngành thép trở thành một trong những ngành chịu áp lực về kiện tự vệ, áp thuế nhiều nhất.

Có thể kể đến, Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn. Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu; trong đó, có Việt Nam gồm: thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.

Hay, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế.

DOC cũng đã đăng công báo khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép CRS nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Cùng với đó, Liên minh kinh tế Á-Âu (EEC) ra thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm thép hợp kim và không hợp kim. Mới đây nhất, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Trong báo cáo mới nhất về những mặt tích cực và tiêu cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) với kinh tế và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, những năm gần đây, trong các sản phẩm xuất khẩu mang lại nhiều USD cho Việt Nam, sắt, thép là mặt hàng bị khởi kiện và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Theo các chuyên gia về phòng vệ thương mại, ngành thép Việt Nam dẫn đầu danh sách bị kiện là do phát triển quá nóng trong thời gian qua nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia sân chơi toàn cầu. Xuất khẩu thép chủ yếu cạnh tranh về giá và các mặt hàng đơn giản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) chưa có thói quen sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi; ký hợp đồng sơ sài và thiếu hiểu biết về pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu.

Đặc biệt, số vụ kiện liên quan đến ngành thép gia tăng mạnh trong thời gian qua còn bởi xu hướng bảo hộ thương mại được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, việc bảo hộ thương mại đang gia tăng trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đặc biệt, các vụ kiện đến từ các thị trường chính của Việt Nam như các nước ASEAN, Hoa Kỳ, EU...

"Chắc chắn những vụ kiện như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, không chỉ trong thời gian từ nay đến cuối năm, mà cả những năm tiếp theo. Muốn tăng trưởng được kim ngạch xuất khẩu, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp, bản thân hiệp hội trong việc tìm kiếm thị trường mới và đối mặt với các vụ kiện phòng vệ," ông Dũng nói.

Ông Hồ Nghĩa Dũng cho hay năm 2016, Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,6 triệu tấn thép và năm 2017, xuất khẩu đạt 4,7 triệu tấn thép. Năm nay, ngành thép dự kiến xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

"Rõ ràng, việc xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng nhanh khiến thép Việt bị các nước chú ý và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước," ông Dũng nhấn mạnh.

Cẩn trọng với thép có nguồn gốc từ Trung Quốc

Cùng với việc xuất khẩu thép tăng mạnh, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nước bị nghi ngờ là nơi trung chuyển thép Trung Quốc sang các nước khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Với việc bị nghi là nơi trung chuyển thép Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong việc xuất khẩu.

Thực tế, ngày 21/5/2018 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định áp dụng mức thuế chống lẩn tránh rất cao lên các các sản phẩm thép từ Việt Nam được cho là sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, sau quá trình điều tra, Bộ Thương mại Mỹ ra kết luận có hơn 90% lô hàng thép Việt Nam thuộc mã hàng bị điều tra nhập khẩu có xuất xứ nguyên liệu từ Trung Quốc, được sản xuất theo một quy trình bị cho là thuộc diện “hành vi lẩn tránh thuế”.

Do vậy, để phòng ngừa rủi ro, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, Việt Nam cần phải cẩn trọng trước ý định đầu tư của các doanh nghiệp thép Trung Quốc, để tránh bị nước khác lấy cớ để đánh thuế lẩn tránh.

Bên cạnh đó, ngành thép Việt Nam phải hoàn thiện hơn quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước, giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Còn theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), để ứng phó được với các vụ kiện một cách lâu dài, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực tốt, trong đó bảo đảm vấn đề sổ sách, chi phí rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, để "trụ" được thì cần có tài chính tốt, cần coi chi phí dự phòng ứng phó với các vụ kiện là chi phí sản xuất kinh doanh và tính vào giá thành sản phẩm. "Muốn chứng minh sản phẩm không bán phá giá, không có sự hỗ trợ, ưu đãi từ phía nhà nước, DN phải nắm rõ đầu vào, có lý lẽ để biện minh. Chẳng hạn, việc vay ưu đãi của nhà nước, chi phí lương của nhân công thấp… là những điểm mà các nước cho là có sự can thiệp của nhà nước. Nếu không chứng minh được đây là sự can thiệp tự nhiên thì coi như thua" - ông Huỳnh nói thêm.

Được biết, để hạn chế những tác động của việc thép Việt Nam bị áp thuế nhập khẩu bổ sung ở các nước, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần hướng đến tự chủ được các nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào và khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất, loại trừ dần nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia khác. Những việc này sẽ giúp giảm thiểu việc một số nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế khi xuất khẩu.

Tiến Minh

Tin khác »