Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Sữa Việt sẽ mất nốt “miếng bánh” còn lại?

TBKD | 23/04/2018

Trong những năm tới, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu sữa chính dần giảm về 0%, sức ép của các hãng sữa ngoại lên các doanh nghiệp Việt ngày càng lớn. Nếu không có những hành động cụ thể, hiệu quả, rất có thể các doanh nghiệp sữa nội sẽ mất luôn cả thị phần vốn đã ít ỏi.

 

Trên thực tế, từ năm 2010 đến hết năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu (NK) khoảng 7,4 tỷ USD mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm chi 817 triệu USD để NK sữa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Mối lo lớn từ CPTPP

Báo cáo Xuất nhập khẩu 2017 của Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Trung tâm thông tin Vibiz.vn vừa công bố cho thấy năm 2017, kim ngạch NK sữa bột đạt 523,7 triệu USD, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch NK sữa và các sản phẩm sữa. Việt Nam đã NK khoảng 223,2 nghìn tấn sữa bột trong năm 2017, gấp khoảng 13 lần lượng sữa bột xuất khẩu (XK) là 21,6 nghìn tấn.

Khảo sát cho thấy thị trường sữa bột tại Việt Nam hiện đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự góp mặt của hơn 300 thương hiệu. Với những ưu thế cả về thương hiệu lẫn nguồn lực, lâu nay, thị trường sữa bột do các hãng ngoại hầu như độc chiếm thị phần và các DN nội phải chịu lép vế ngay trên sân nhà.

Trong số 10 nước đối tác đã tham gia ký kết CPTPP vừa qua, có tới 5 nước XK sữa sang thị trường Việt Nam với thị phần lớn.

Do vậy, sau khi CPTPP có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu sữa từ các thị trường này sẽ được giảm dần về 0% (riêng thuế xuất nhập khẩu từ New Zealand đã giảm về 0% từ năm 2018).

Trong các năm tới, do không phải chịu thuế xuất nhập khẩu, khả năng lớn là kim ngạch NK sữa của Việt Nam sẽ có sự gia tăng mạnh, người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sữa ngoại giá rẻ và các doanh nghiệp (DN) sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh công bằng với các DN ngoại ngay trên sân nhà.

Điều đó có nghĩa sức ép của các hãng sữa ngoại lên các DN nội ngày càng lớn và nếu không có những hành động cụ thể, hiệu quả thì rất có thể các DN sữa nội sẽ mất luôn cả thị phần vốn đã ít ỏi.

“Thị phần sữa bột gần như nằm trong tay các DN ngoại khi mà người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưa thích sử dụng các thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm sữa bột. Khi CPTPP và các hiệp định thương mại (FTA) được thực thi càng là điểm bất lợi cho các DN sữa Việt”, Báo cáo Xuất nhập khẩu 2017 nhận định.

Trong khi thị trường sữa bột chủ yếu do các hãng ngoại nắm thị phần, thị trường sữa nước có thể coi là “miếng bánh” thuộc các DN nội địa.

Kim ngạch NK sữa nước năm 2017 vào khoảng 30,6 triệu USD và khối lượng đạt 32,2 triệu lít, so với sản lượng sữa nước sản xuất trong nước 1,2 triệu lít chỉ bằng 2,4%.

Có thể thấy, thị phần XK sữa nước của Việt Nam chủ yếu thuộc về một số ít công ty. Top 5 DN đứng đầu chiếm tới 65,8% tổng lượng sữa nước XK cả nước. Trong tổng số sữa nước XK có tới hơn nửa (54,2%) là các sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk (công ty cổ phần Sữa Việt Nam), cho thấy thị phần lớn của DN đứng đầu ngành sữa Việt Nam.

Tiếp đến là Friesland Campina là DN lớn thứ hai trong phân khúc sữa nước, chiếm tới 25,7% thị phần. Cùng với đó, các DN sữa khác như THmilk, Nutifood, IDP, Hà Nội Milk… đã và đang không ngừng có những hành động cạnh tranh cụ thể trong phân khúc này nhằm xác định chỗ đứng cho mình.

Nắm giữ thị phần là vậy, tuy nhiên, so với các thương hiệu sữa nước ngoài, các DN ngành sữa của Việt Nam đang bị bất lợi một cách tương đối về hầu hết các khía cạnh, ngoại trừ yếu tố chi phí, thời gian bảo hành, khoảng cách địa lý.

Cơ hội không phải đã hết

Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc công ty Hanco (Hancofood), chia sẻ: việc giảm 3% thuế cho sữa nguyên liệu không thấm gì với DN sản xuất nhưng giảm 7-10% thuế với sữa thành phẩm thì sữa ngoại chắc chắn có lý do để đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam. Đơn giản là bởi ngành sữa tại Việt Nam quá hấp dẫn về tiềm năng, với thị trường trên 90 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm.

Trong khi đó, theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá thành sữa thành phẩm của Việt Nam hiện khoảng 1,4 USD/lít, vẫn cao hơn mức 1,2 – 1,3 USD/lít ở New Zealand và Úc.

Ts. Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA, để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm sữa NK ngay chính trên sân nhà, một mặt các công ty, người chăn nuôi trong nước phải áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí.

Mặt khác, các DN cần đầu tư vào công nghiệp chế biến, với mục đích đa dạng hóa sản phẩm chế biến, hướng tới phân khúc sản phẩm cao cấp như sữa hữu cơ, thực phẩm tách chiết từ sữa… đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới XK và nâng cao giá trị của ngành.

“Để minh bạch trong chất lượng sữa, các nhà chế biến, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cần tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất về nhãn mác và chất lượng sữa. Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sữa để bảo đảm sự minh bạch và công khai về chất lượng sữa”, ông Chinh đưa ra khuyến nghị.

Theo các chuyên gia, CPTPP có hiệu lực không phải là hết cơ hội với ngành sữa, nếu có chiến lược phát triển cụ thể và hiệu quả, các DN trong nước vẫn có thể cải thiện lợi thế cạnh tranh của mình trong dài hạn.

Các DN có thể cải thiện chất lượng nguồn cung sữa nguyên liệu, giảm thiểu chi phí sản xuất sữa, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín thương hiệu cũng như sự kết nối trong ngành để nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các DN ngoại.

Bên cạnh đó, các DN cũng như cơ quan nhà nước cần hỗ trợ về mặt tài chính lẫn kỹ thuật để giúp người nông dân nâng cao chất lượng con giống, cải thiện kỹ thuật chăn nuôi.

Mặt khác, các DN trong nước phải liên kết chặt chẽ với nhà phân phối cũng như các DN cùng ngành để nâng cao giá trị cạnh tranh toàn ngành. DN cần nâng cao chất lượng, cung cấp cho khách hàng những thông tin xác thực về sản phẩm, lấy được lòng tin và thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sữa nội.

Ngoài ra, Chính phủ cần đưa ra các quy định, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước, kết hợp với các DN tạo dựng các kênh thông tin tham khảo tin cậy cho người tiêu dùng.

Lê Thúy

Tin khác »