Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Triển vọng cổ phiếu thép sẽ không nhiều thay đổi

TBTCVN | 15/03/2018

Mỹ đã chính thức ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu (25% với thép, 10% với nhôm và có hiệu lực từ 23/3).

 

Trước thông tin này, giá một số cổ phiếu thép đã phần nào chịu tác động tiêu cực vì tâm lý lo ngại. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, về cơ bản triển vọng cổ phiếu thép sẽ không nhiều thay đổi như nhận định trước đây, thậm chí, đây là động lực để các doanh nghiệp (DN) này “tự làm mới mình”.

Tác động chưa rõ ràng

Tính từ cuối tháng 2 đến nay, nhiều cổ phiếu thép trên sàn niêm yết đã chịu ảnh hưởng có phần tiêu cực trước thông tin Mỹ sẽ áp tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm. Điển hình như các cổ phiếu thép lớn đang niêm yết như HPG, HSG và NKG đều giảm giá. 

Tuy nhiên, trong báo cáo vừa mới phát hành gần đây, Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, giá cổ phiếu doanh nghiệp thép chỉ bị ảnh hưởng nhẹ từ thông tin về việc áp thuế gần đây. “Có thể nói, giá cổ phiếu 3 DN thép lớn là HPG, HSG và NKG chỉ bị ảnh hưởng nhẹ từ thông tin áp thuế. Ngoài ra, tác động đối với các DN là không giống nhau và chưa rõ ràng”, HSC cho hay.

Cụ thể, đối với Tập đoàn Hòa Phát, giá cổ phiếu HPG chạm đỉnh 67.800 đồng/CP vào ngày 1/3 và đã giảm 9,8% kể từ đó. Điều này có lẽ là do nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh gần đây, tuy nhiên HSC thấy lực hỗ trợ tại mặt bằng hiện tại là khá mạnh. 

Đối với HoaSenGroup, giá cổ phiếu HSG biến động trong biên độ từ 22.200 đồng/CP – 28.300 đồng/CP trong vài tháng qua. HSC cũng cho rằng, hiện chưa thấy tác động rõ ràng từ thông tin áp thuế đối với giá cổ phiếu HSG. 

Riêng với Thép Nam Kim, cổ phiếu NKG chạm đỉnh 45.200 đồng/CP vào ngày 1/1 và kể từ đó đã đi xuống, chạm mốc 32.450 đồng/CP. Theo HSC, thông tin áp thuế cùng lắm khiến giá cổ phiếu NKG giảm 1 phiên và NKG bị bán ra vì nhiều lý do khác, trong đó có việc giá cổ phiếu này đã tăng rất tốt trong năm ngoái và hiện đã khá đắt.

“Do vậy, không giống như các DN thép trong khu vực, tác động của thông tin áp thuế đối với xu hướng giá cổ phiếu DN thép tại Việt Nam là không rõ ràng. Trên thực tế giá cổ phiếu HPG lại giảm mạnh nhất, mặc dù chịu ít tác động hơn từ thông tin áp thuế so với HSG. Và điều này có lẽ là do yếu tố tâm lý hơn là do yếu tố căn bản”, HSC nhấn mạnh.

Triển vọng lợi nhuận năm nay vẫn tích cực

Báo cáo của HSC cho rằng, thông tin áp thuế như công bố sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu hay lợi nhuận năm 2018 của các DN thép Việt Nam. Bởi thị trường thép trong nước vẫn khả quan và xuất khẩu sang thị trường Mỹ không thực sự quá quan trọng; giá cổ phiếu ngành thép gần đây cũng đã phản ánh điều này. Theo HSC, giá cổ phiếu ngành thép chịu nhiều tác động hơn từ biến động giá đầu vào. Nếu giá nguyên liệu trong khu vực giảm do tác động của quyết định áp thuế thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngành thép tại Việt Nam. 

Do vậy, công ty này cho rằng, định giá cổ phiếu thép còn rẻ, trong khi triển vọng lợi nhuận năm nay tích cực đặc biệt là HPG, HSG nhờ các DN này nâng công suất và nhu cầu trong nước vẫn cao. Lợi nhuận từ các nguồn khác ngoài sản xuất thép ở HPG và HSG cũng có đóng góp rõ rệt. 

Trong một báo cáo phát hành cuối tháng 2 vừa qua, trái với tâm lý lo ngại của thị trường, RongViet Research cũng bình luận, các DN thép Việt vẫn còn nhiều cách tiếp cận thị trường Mỹ, bởi mục tiêu của Chính phủ nước này là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để “né” thuế. 

“Việc áp thuế đánh vào nguồn gốc xuất xứ đang đóng vai trò động lực thúc đẩy các DN thép Việt Nam đầu tư theo chiều sâu, sản xuất từ thượng nguồn, vừa tăng giá trị cho ngành sản xuất nội địa, vừa cải thiện sức cạnh tranh tại thị trường hội nhập”, RongViet Research nhấn mạnh.

Duy Thái

Tin khác »