Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

bao giờ hết cảnh ăn đong?

TBKTSG | 18/12/2017

Năm tài chính 2017, năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, đang dần khép lại. Ngày 13-11-2017, Quốc hội đã thông qua dự toán NSNN năm 2018. Mặc dù đây là năm đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, bội chi ngân sách được kiểm soát theo đúng kế hoạch nhưng nhìn vào số liệu về kết quả thực hiện trong năm 2017 và dự toán trong năm 2018, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được làm rõ.

 

Bất ngờ với số liệu về chi đầu tư phát triển trong năm 2017

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11-2017, chi cho đầu tư phát triển đạt mức 224.600 tỉ đồng, mới chỉ hoàn thành 62,9% so với dự toán. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn cho rằng chi cho đầu tư phát triển trong cả năm 2017 không những hoàn thành kế hoạch mà còn vượt cả dự toán tới 9,1%. Kết quả này đồng nghĩa với việc cơ quan này sẽ phải giải ngân số tiền lên tới 165.000 tỉ đồng chỉ trong tháng 12.

Rất khó để có thể hình dung ra được Bộ Tài chính làm cách nào để giải ngân được hết số tiền này. Và nếu thực tế làm được thì liệu có sự “lỏng tay” hay không của các cơ quan quản lý nhằm về đích đúng kế hoạch? Hay việc hạch toán như vậy của Bộ Tài chính còn theo một nguyên lý nào khác? Vấn đề này rất cần có sự giải thích rõ hơn của các cơ quan quản lý cho dư luận. Bởi lẽ việc giải ngân cho hoạt động đầu tư phát triển không những chỉ có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến trên thị trường tiền tệ. Khi đó, một khối lượng lớn nguồn vốn sẽ được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng để giải ngân vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ tạm thời thiếu hụt và lập tức đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng lên. Qua đó, nó sẽ gián tiếp tác động đến cả mặt bằng lãi suất của trái phiếu chính phủ cũng như tỷ giá như một phản ứng dây chuyền.

Bên cạnh đó, chi thường xuyên lại một lần nữa “vượt” kế hoạch so với dự toán, với mức vượt tới khoảng 12.000 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng 1,3% so với dự toán. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên trong thời gian qua nhưng dường như căn bệnh vượt chi vẫn chưa được chữa trị hữu hiệu.

Bao giờ hết cảnh ăn đong?

Nếu như trong năm 2017, tốc độ tăng thu ngân sách cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách thì trong dự toán năm 2018, xu hướng này lại đảo chiều - tốc độ tăng chi ngân sách lại cao hơn so với tăng thu ngân sách. Kết quả này khiến cho bội chi ngân sách trong năm 2018 sẽ lên tới 204.000 tỉ đồng, tăng 17% so với con số 174.000 tỉ đồng của năm 2017. Do vậy, tỷ lệ bội chi ngân sách đã tăng từ mức 3,4% trong năm 2017 lên 3,7% trong năm 2018. Để có tiền bù đắp cho bội chi thì ngân sách lại tiếp tục phải đi vay nợ 363.000 tỉ đồng trong năm 2018. Như vậy, điệp khúc thâm hụt rồi lại đi vay nợ tiếp tục diễn ra và có lẽ chưa biết khi nào sẽ dừng lại.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bội chi không thể kiểm soát được chính là tốc độ tăng chi luôn lớn hơn tốc độ tăng thu ngân sách. Đến đây tác giả tự đặt câu hỏi cho chính mình rằng tại sao Chính phủ không có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này. Nếu như việc giảm chi thường xuyên một cách đột ngột khoảng 10-20% trong một năm là vấn đề khó bởi nó liên quan trực tiếp đến vấn đề an sinh xã hội của đất nước thì Chính phủ hoàn toàn có thể lựa chọn giải pháp giảm chi cho hoạt động đầu tư cho phát triển. Vẫn biết rằng chi đầu tư cho phát triển của Nhà nước được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực của đất nước có hạn và hiệu quả đầu tư của Nhà nước luôn ở mức thấp thì Chính phủ hoàn toàn có thể chọn giải pháp hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn để cải thiện vấn đề ngân sách. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì Chính phủ tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để thúc đẩy các hình thức đầu tư kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân (PPP).

Nếu không có giải pháp triệt để thì ngân sách của Việt Nam sẽ mãi không thể thoát khỏi cảnh “ăn đong” hàng năm như hiện nay. Theo đó, thu ngân sách gần như mới chỉ bù đắp được cho hoạt động chi thường xuyên và trả lãi vay. Toàn bộ nguồn vốn dùng để tài trợ cho hoạt động đầu tư phát triển phải đi vay. Do đó, khi có bất kỳ một vấn đề gì từ phía các nhà tài trợ mà nguồn vốn không được giải ngân đúng tiến độ thì lập tức ảnh hưởng đến việc triển khai theo đúng kế hoạch. Thực trạng của dự án đường sắt trên cao hiện nay ở Hà Nội là ví dụ điển hình nhất. Dự án chậm tiến độ sẽ gây ra lãng phí rất lớn, ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn cũng như hiệu quả tối ưu của dự án.

Hà Đông

Tin khác »