Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Nông sản Việt có bị thao túng?

TBKD | 18/08/2017

Thông tin về việc thương nhân nước ngoài thao túng thị trường hồ tiêu Việt Nam rốt cuộc được Bộ Công Thương cho rằng không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu nhìn các thương lái nước ngoài (nhất là từ Trung Quốc) vào thu mua nông sản trái phép, ép giá khiến doanh nghiệp, nông dân điêu đứng như thời gian qua sẽ thấy hiện tượng thao túng phức tạp như thế nào.

 

Giá hạt tiêu trong nước tính ra từ đầu năm 2017 đến nay đã sụt giảm tới mức chạm đáy, thấp nhất trong vòng sáu năm gần đây và hiện vẫn đang diễn biến giá trồi sụt bất thường.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết giá hạt tiêu đang có xu hướng chững lại do dân bắt đầu bán ra nhiều và các doanh nghiệp (DN) hạn chế xuất vì thời gian qua giá biến động bất thường.

Hồ tiêu kêu thao túng

Trước đó, theo phản ánh của một số DN hội viên VPA, có bằng chứng cho thấy có một nhóm DN Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu của Việt Nam những ngày này. Cụ thể, tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu đều có hiện tượng nhóm DN Trung Quốc đến DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đặt mua hồ tiêu.

Điều bất thường là DN Việt đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán với họ. Sau đó, họ thuê khách sạn ở gần trụ sở của công ty xuất khẩu và ngày nào cũng tới công ty để hối thúc thực hiện hợp đồng.

Theo thông lệ, thường sau ba ngày kể từ khi ký hợp đồng, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn ba ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua cũng như giải thích lý do chậm chuyển tiền là vì ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ… để trì hoãn thực hiện hợp đồng. Họ làm việc này với nhiều công ty xuất khẩu nhằm tạo tín hiệu thị trường đang cần nhu cầu mua với số lượng lớn.

Phía VPA cho biết đây là thông tin mang tính cảnh báo, chia sẻ giữa các hội viên VPA để cùng giúp nhau giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, tránh sự việc bị lan rộng sẽ ảnh hưởng mạnh tới thị trường hồ tiêu trong nước.

Có thể thấy thông tin của các hội viên VPA là một kênh tham khảo rất quan trọng cho cơ quan quản lý chủ động hỗ trợ nông dân và DN trong nước, bám sát thị trường hồ tiêu và làm rõ, “chặn ngay từ trong trứng nước” hiện tượng các thương nhân nước ngoài thao túng như thế nào để xử lý kịp thời, đồng thanh cùng cảnh báo mà không phải đi xác minh theo kiểu có hay không.

Chưa biết thị trường hồ tiêu thời gian tới sẽ bị làm giá ra sao nhưng thông báo ngày 16/8 của Bộ Công Thương rất đáng để suy nghĩ về trách nhiệm của cơ quan quản lý khi bộ này cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận thương nhân nước ngoài đang thao túng thị trường hồ tiêu Việt Nam. Thông báo này có giúp ích cho thị trường hồ tiêu nội địa?

Thậm chí, bộ này đã đề nghị VPA cung cấp danh sách cụ thể các DN đang bị ảnh hưởng bởi rủi ro trong giao dịch với thương nhân nước ngoài.

Nhưng xem ra yêu cầu trên hơi quá sức của VPA vì họ không có nguồn lực, cũng không thống kê được cụ thể danh sách DN bị ảnh hưởng và không định rõ được khái niệm bị ảnh hưởng là thế nào để thống kê. Chưa kể, trong quy luật mua bán, các DN không thể chia sẻ các thông tin về đối tác mà mình thường mua bán.

Cần những cảnh báo

Bộ Công Thương cũng cho biết, báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu trong nước là hiện chưa phát hiện tình trạng thương nhân nước ngoài “đạo diễn”, “múa tay trong bị”, “thao túng” giá hồ tiêu như thông tin phản ánh trên một số báo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ là một phần câu chuyện. Xử lý chuyện thương nhân nước ngoài thao túng không thể chỉ dựa trên báo cáo là có hay không. Nhất là khi tình trạng “giải cứu” nông sản thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua do bị thương lái nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) thao túng có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý tại địa phương.

Trong khi đó, về phía VPA, trên website, họ cho biết hiện tượng này có thể sẽ còn tiếp diễn do các thương nhân này (có cả thương nhân nước ngoài và người Việt) vẫn đang nằm khá nhiều ở các vùng trồng hồ tiêu hơn những năm trước vì thời gian qua hồ tiêu có lợi nhuận tốt, thương nhân đã đầu cơ, mua gom mạnh lúc thu hoạch rộ (tháng 3 – 4/2017) để hy vọng cuối năm bán giá cao hơn kiếm lời.

Nhưng vì thị trường năm nay giá liên tục hạ nên họ lo sợ và luôn tìm mọi cách để đẩy hàng ra với mong muốn giá cao hơn lúc mua nhằm không bị lỗ và có thể có lời.

Thực tế, nếu quan sát thị trường nông sản Việt trong thời gian qua sẽ thấy không những với hồ tiêu mà nhiều mặt hàng thế mạnh xuất khẩu khác, do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, đã để cho các thương lái Trung Quốc mặc sức xâm nhập thu mua trái phép, làm giá. Và người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là nông dân.

Điển hình như tại tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2017 đến nay đã xử phạt nhiều vụ thương lái người nước ngoài đến địa phương thu mua nông sản trái phép, nhất là mặt hàng trái thanh long. Hoặc như vải thiều, đầu tháng 7/2017, giá đã sụt giảm mạnh khi thương lái Trung Quốc ngừng mua.

Và như vậy, dù có đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhưng nhiều nông sản trong nước hiện vẫn đang coi Trung Quốc là thị trường thu mua chính. Nếu các thương lái Trung Quốc đột ngột dừng thu mua sẽ khiến những sản phẩm này bị rớt giá thảm hại.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng cũng được thương lái nước này đặt hàng với nông dân Việt và đảm bảo bao tiêu, mua sản phẩm nhưng đến vụ thu hoạch lại lẩn tránh hoặc mua với giá rất thấp khiến thương nhân trong nước và nông dân phải lao đao.

Cho nên, thay vì cho dư luận biết là không rõ chuyện có thương lái nước ngoài thao túng hay không, thiết nghĩ, điều các cơ quan quản lý nên làm bây giờ là làm sao để những đối tượng thao túng phải sợ và không dám “bòn rút” nông sản Việt.

Đồng thời phải thấy việc cảnh báo của VPA cho ngành hồ tiêu là điều nên làm và các cơ quan quản lý nên ủng hộ, hợp tác với các hiệp hội để có những động thái cần thiết nhằm bảo vệ thị trường nông sản Việt.

Thế Vinh

Tin khác »