Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Áp lực chạy đua đơn hàng của doanh nghiệp

TBNH | 20/09/2021

Cái khó của phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chính là áp lực chạy đua với tiến độ giao hàng.

 

Đại diện Công ty May mặc Hùng Phát (TP. HCM) cho biết, trong năm qua tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may nói chung gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm 2021, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhiều chuyên gia dự đoán tình hình đơn hàng và hoạt động xuất khẩu sẽ không được khả quan. Nhưng thực tế, Công ty Hùng Phát đã ký kết được một số đơn hàng đến cuối năm. Điều này có được là nhờ doanh nghiệp có chiến lược tìm kiếm đơn hàng từ sớm cho hoạt động xuất khẩu của năm 2021 với mức giá phù hợp. Ngoài ra, cũng chấp nhận đa dạng các mặt hàng không phải truyền thống của công ty như sơ mi và veston, thay vào đó là các dòng sản phẩm khác theo yêu cầu của đối tác.

Tương tự, một công ty da giày, túi xách ở Bình Dương cũng có đơn hàng đến tận quý I sang năm cũng cho hay, thay vì lo lắng không ký được đơn hàng thì hiện nay nỗi lo chính của doanh nghiệp lại là làm sao có thể đẩy nhanh năng suất, kịp tiến độ giao được đơn hàng. Bởi, thời điểm này nguyên vật liệu về rất chậm, chi phí tăng 30%, vận chuyển khó khăn khi nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội. Như vậy, khi đơn hàng không thực hiện được hoặc chậm trễ, khả năng đối tác cắt đơn hàng và doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bồi thường thiệt hại là rất lớn.

Theo đại diện Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ, chế biến nông thủy sản đã có đơn hàng xuất khẩu hết quý II, quý III/ 2021, thậm chí hợp đồng còn tràn qua đến quý I/2022 khiến áp lực sản xuất gia tăng. Sở dĩ đơn hàng tăng nhanh chủ yếu tập trung ở những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… do những quốc gia này đã hạn chế được dịch bệnh, kinh tế dần phục hồi, nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm gia tăng cao, nhất là vào cuối năm, dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch.

Tuy nhiên, cái khó của phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chính là áp lực chạy đua với tiến độ giao hàng. Do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, nên nhiều công ty đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, nhưng số lao động bố trí tại các nhà máy chỉ đạt 50 - 70% nhân lực. Số còn lại đang phải nghỉ việc vì doanh nghiệp không thể đảm bảo việc lưu trú tại công ty cho tất cả lực lượng lao động, trong khi chi phí thuê chỗ ở, khách sạn, làm xét nghiệm rất tốn kém.

Một Giám đốc phụ trách thị trường cho biết, cuối năm là mùa sản xuất, tiêu thụ quần áo, giày dép, túi xách các loại cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đơn hàng dồn dập về nhiều, đối tác luôn hối thúc tiến độ cho kịp giao hàng. Nên, hiện tại doanh nghiệp đang rất lo lắng cho các đơn hàng đã ký kết phải giao vào cuối năm. Bởi đến nay một số tỉnh thành như TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn tiếp tục giãn cách xã hội, công ty chưa thể khôi phục được sản xuất như bình thường, nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu nguồn nhân lực… nên nguy cơ nhiều đơn hàng không đáp ứng được và có khả năng sẽ bị dịch chuyển qua nước khác.

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thế Linh (TP. Biên Hòa) chia sẻ, công ty có 2 nhà máy sản xuất các loại chăn, drap, gối, đệm nhưng đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh ở nhiều nơi nên 1 nhà máy ở TP. Biên Hòa nằm trong vùng phong tỏa phải tạm dừng sản xuất, nhà máy ở huyện Vĩnh Cửu chỉ duy trì công suất khoảng 20-30% do một số công ty cung ứng nguyên liệu ở TP. HCM, Bình Dương tạm dừng sản xuất. Công ty rất lo lắng dịch kéo dài sẽ khó duy trì được việc giao hàng cho đối tác đúng tiến độ.

Không những vậy, nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai cũng đang lo lắng sẽ bị vuột mất nhiều đơn hàng cuối năm. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất ít công ty dám ký kết các đơn hàng lớn với đối tác trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng thấy dịch bệnh tại khu vực phía Nam vẫn căng thẳng sẽ rút bớt đơn hàng sang những quốc gia đang ít chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho dịp mua sắm cuối năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc kinh tế đang hồi phục, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng trong những tháng cuối năm sẽ tăng cao. Do đó, nếu Việt Nam không kịp thời dập được dịch và khôi phục sản xuất công nghiệp sớm thì rất có thể sẽ mất đi rất nhiều đơn hàng cho dịp cuối năm và đầu năm sau. Nếu các đơn hàng bị “rút” đi, sau này các doanh nghiệp tại Việt Nam rất khó khăn trong tìm đơn hàng mới để thay thế, phục hồi sản xuất. Trong tình huống thiếu đơn hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ đóng cửa rất lớn, kéo theo hàng trăm ngàn lao động không có việc làm cần đảm bảo an sinh xã hội.

Tuyết Thanh

Tin khác »