Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Muôn kiểu móc túi cổ đông

DNSG | 17/06/2021

Trong khi chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) của doanh nghiệp tại mức giá thấp hơn nhiều so với thị giá giao dịch khiến nhiều cổ đông bức xúc, thì chính sách phát hành cổ phiếu riêng lẻ với mức chiết khấu cao cũng gây ra thất vọng.

 

Cổ phiếu Công ty CP Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) đã lao dốc hơn 36% chỉ trong vòng nửa cuối tháng 5, từ đỉnh cao 82.000 đồng/CP xuống tận vùng 52.000 đồng/CP, là hệ quả của việc doanh nghiệp này thông báo sẽ phát hành riêng lẻ 16,8 triệu cổ phiếu với giá 35.000 đồng/CP, thấp hơn gần 45% so với thị giá tại thời điểm công bố. 

Dù ban lãnh đạo GIL cho biết nguyên tắc xác định giá được hội đồng quản trị đưa ra là dựa trên giá trị theo báo cáo tài chính kiểm toán 2020, nhưng mức chiết khấu quá cao như trên là điều khó có thể chấp nhận với những cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp này, nhất là khi triển vọng tăng trưởng và hiệu quả sinh lời của GIL vẫn còn nhiều dư địa bứt phá.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thăng hoa trong hơn một năm qua, đặc biệt là kể từ đầu năm đến nay, dòng tiền rót vào ồ ạt, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng sự hưng phấn của nhà đầu tư để lên kế hoạch huy động vốn khủng phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và mở rộng hoạt động trong giai đoạn tới. 

Tuy nhiên, nếu những công ty đang có giá giao dịch thấp hơn mệnh giá, khi đưa ra kế hoạch phát hành thêm để tăng vốn có thể là chất xúc tác kéo giá cổ phiếu về mệnh giá, do nhiều nhà đầu tư tin rằng để phục vụ “game” tăng vốn, thì ngược lại những công ty có kế hoạch phát hành với mức giá thấp hơn so với giá đang giao dịch gây khó hiểu cho không ít nhà đầu tư và cũng gây áp lực giảm giá cổ phiếu.

Theo quy định của pháp luật, khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp, giá thị trường sẽ không bị tác động so với giá phát hành. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp trên sàn thường chọn hình thức phát hành riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư với giá chiết khấu so với thị trường để đảm bảo thành công.

Đáng lưu ý là trong trường hợp giá phát hành thấp hơn thị giá nhưng nếu dành cho cổ đông hiện hữu thì nhiều người còn có thể chấp nhận được, còn trường hợp phát hành riêng lẻ cho một đối tác khác với mức chiết khấu quá cao, rõ ràng cổ đông nhỏ lẻ của doanh nghiệp - những người vốn không có tiếng nói và không đủ sức để phản đối, sẽ không tránh khỏi thiệt hại.

Cụ thể, nếu phát hành thành công, vốn và lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp sẽ tăng lên, trong lúc lợi nhuận chưa tăng theo kịp sẽ làm giảm hệ số sinh lời như ROE hoặc tỷ suất thu nhập trên cổ phần (EPS), khiến định giá P/E tăng. Điều này dẫn tới cổ phiếu kém hấp dẫn về định giá so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Ngoài GIL, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) dự kiến phát hành 75 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/CP, thấp hơn 30% mức thị giá đang giao dịch. Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (CKG) cũng có kế hoạch phát hành 13,4 triệu cổ phiếu tại mức giá 10.000 đồng/CP, trong khi giá đang giao dịch quanh vùng 17.000 đồng/CP.

Dù trong các thương vụ phát hành riêng lẻ này đều quy định thời gian hạn chế chuyển nhượng, nhưng thường thời gian cũng khá ngắn ngủi, chỉ có một năm, do đó khi hết thời gian hạn chế nhà đầu tư có thể nhanh chóng bán ra chốt lời nếu thị giá vẫn đang cao hơn giá mua trước đây, dẫn đến nguồn cung cổ phiếu tăng vọt và gây áp lực lên giá cổ phiếu, điều từng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp. 

Ngày 3/6/2021, Ngân hàng Nhà nước có văn bản 3947/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác, công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. 

Hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở khu vực có dịch, vùng cách ly y tế không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn.

Gia Lê

Tin khác »