Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Kinh doanh trà sữa nở rộ như “nấm mọc sau mưa”

DDDN | 30/05/2017

Đã xuất hiện và phổ biến tại Hà Nội khá lâu, tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh trà sữa liên tiếp mọc lên khiến số lượng cửa hàng kinh doanh mặt hàng này tăng một cách đột biến. Nhiều người lo ngại, việc kinh doanh theo xu hướng sẽ nhanh chóng bão hòa và thua lỗ khi “thoái trào”.

 

Trà sữa là một trong những loại đồ uống yêu thích của nhiều bạn trẻ. Từ lâu, những hàng trà sữa xuất hiện và trở nên quen thuộc tại thủ đô. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu trà sữa bỗng tăng nhanh đột biến, hàng loạt các chuỗi cửa hàng trà sữa liên tiếp khai trương trên khắp địa bàn.

"Phủ sóng" mọi nơi

Tốc độ khai trương “chóng mặt” của các cửa hàng trà sữa tại Hà Nội đang khiến nhiều người bất ngờ. Chỉ trong vài tháng qua, hàng loạt các tên tuổi trà sữa của các nước xuất hiện tại Hà Nội. Các cửa hàng càng có vị trí thuận tiện, không gian đẹp càng thu hút được các bạn trẻ. Các cửa hàng trà sữa cũng cung cấp dịch vụ ship hàng đến bất cứ đâu, trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu của những người ở xa, lan tỏa độ phủ sóng của mình.

Hiện tại, càng các khu vực có đông học sinh, sinh viên, giới văn phòng và các trục đường giao thông chính càng có nhiều cửa hàng trà sữa mới được khai trương. Tại khu vực Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy có hàng chục cửa hàng với nhiều thương hiệu khác nhau liên tiếp mở ra.

Các khu vực khác như Láng Hạ, Thái Hà, Chùa Bộc, Giảng Võ, Nguyễn Ngọc Vũ, đặc biệt là Nguyễn Trãi… cũng nhiều không kém.

Các thương hiệu trà sữa phổ biến ra mắt liên tục giới trẻ thủ đô là Dingtea, Gongcha, Xingcha, Blackball, Mr.Goodtea, Royal tea, Tocotoco, Feeling tea, Bobapop… Ngoài ra còn có hàng chục, thậm chí hàng trăm cửa hàng không thương hiệu.

Mỗi thương hiệu trà sữa ra đời lại kèm theo với những "cơn sốt" từ các nguyên liệu mới lạ, gây hứng thú cho người thưởng thức như trà sữa trân châu trắng, trà sữa kem cheese, trà sữa thú bông, trà sữa phô mai váng sữa, trà sữa bóng đèn, trà sữa bông gòn,...

Các cửa hàng trà sữa mở rầm rộ hiện nay được đầu tư bởi các hệ thống nhượng quyền có thương hiệu, một số tên tuổi mới thì bắt đầu gây dựng thương hiệu nhưng đặc điểm chung của các thương hiệu này là đều lựa chọn hình thức tăng cường độ phủ sóng với hệ thống chuỗi các cửa hàng vệ tinh rộng khắp. Các cửa hàng đều được chọn mở ở những vị trí đẹp, thuận tiện giao thông. Không gian nột thất được trang trí trẻ trung kèm chất lượng phục vụ nhanh chóng…

Ngoài ra, hệ thống giao hàng nhanh, giao hàng miễn phí của các cửa hàng cũng được xây dựng đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của các thượng đế.

Lợi nhuận hấp dẫn chủ đầu tư “xuống tiền”?

Anh Hùng, một ông chủ cửa hàng kinh doanh trà sữa tại khu vực Thanh Xuân tiết lộ lý do các hàng trà sữa mở rầm rộ và hấp dẫn giới đầu tư đến vậy. Theo đó, có 2 nguyên nhân chính là xu hướng và biên độ lợi nhuận đặc biệt hấp dẫn của loại hình kinh doanh này.

Theo anh Hùng trà sữa, đặc biệt là trà sữa có không gian “sang chảnh”, trẻ trung đang là xu hướng đặc biệt hấp dẫn giới trẻ. Những năm gầy đây, các loại trà sữa du nhập từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc với nhiều vị lạ lẫm đang được “các thượng đế trẻ” vô cùng yêu thích.

Uống trà sữa, ngồi không gian sang chảnh, check-in facebook, nói chuyện với bạn bè đang là xu hướng hiện nay. Ngoài ra, càng gần hè, hàng trà sữa không gian thoáng mát ngày càng hấp dẫn và được dùng nhiều hơn.

Nắm bắt được nhu cầu tăng cao, không chỉ các thương hiệu có sẵn mở rộng thêm mà còn nhiều người khác nhanh chóng đầu tư cửa hàng, gây dựng hệ thống. Có những thương hiệu gần như chỉ xuất hiện ở những phố lớn có đông sinh viên. Một số thương hiệu cứ một tháng lại khai trương đến 4-5 cửa hàng ở Hà Nội. Một số con phố trước kia chỉ có 1-2 hàng trà sữa, thì nay đã tăng đến 4-5 cửa hàng.

Về biên độ lợi nhuận hấp dẫn, chị Minh (quận Cầu Giấy) tiết lộ có thể đạt mức 30% trên tổng doanh thu. Theo đó, những cửa hàng phải có vị trí tốt, thương hiệu đã có phần nào được biết tới, vận hành ổn định, đồ uống ngon. Những cửa hàng còn lại dao động khoảng 20-25%.

Chị Minh làm một bài toán với số khách trung bình 200-300 lượt mỗi ngày, cửa hàng có thể đạt doanh thu 250-300 triệu đồng mỗi tháng. Theo đó, số lãi hàng tháng vào khoảng 75-100 triệu đồng. Như vậy, nếu tình hình kinh doanh thuận lợi, chỉ khoảng 9-10 tháng là chủ đầu tư có thể thu hồi vốn ban đầu.

Có thể “chết yểu” bất cứ lúc nào

Anh Nam (quận Đồng Đa) cho biết đang cân nhắc việc có nên mở một hàng trà sữa “theo phong trào” hay không. Anh Nam đang có một khoản vốn và mong muốn mở một cửa hàng đồ uống cho giới trẻ. Anh khảo sát bạn bè và thị trường thì được biệt trà sữa đang vào thời kỳ “đỉnh cao”.

Một số bạn bè và người thân khuyên anh Nam nhanh tay “xuống tiền” đầu tư ngay. Một số khách thì lo ngại xu hướng trà sữa sẽ nhanh chóng thoái trào trong giới trẻ. Số nay coi việc mở trà sữa hiện nay như một canh bạc.

Chị Minh thừa nhận chính các quán trà sữa hiện tại đang phải cạnh tranh nhau rất gay gắt. Đầu tiên là cạnh tranh nhau về chất lượng sản phẩm, sau đó là vị trí, không gian quán, chất lượng dịch vụ. Với số lượng khai trương rầm rộ hiện nay, các bạn trẻ có rất nhiều lựa chọn. Cũng có thể thấy rõ là số lượng khách hàng tại các quán trà sữa đã bắt đầu chững lại bởi sự phân tán sang quá nhiều thương hiệu khác nhau.

Chị Minh, 1 chủ kinh doanh trà sữa cảnh báo những người muốn đầu tư làm trà sữa cần cân nhắt rất kỹ chi phí đầu tư, cân đối với doanh thu và lợi nhuận. Nếu tính toán không kỹ, việc bỏ ra một lượng vốn lớn đầu tư, trong khi số khách giảm thấp, doanh thu không đủ bù đắp, rất dễ gây nguy cơ thua lỗ.

“Việc đầu tư theo xu hướng có thể mang lại lợi nhuận khủng, nhưng cũng có thể khiến chủ hàng trắng tay bắt cứ lúc nào”, chị Minh nhấn mạnh.

Bởi xu hướng của giới trẻ là luôn thay đổi, kém trung thành, do đó, việc đầu tư lớn cho chuỗi các cửa hàng trà sữa có thể gặp rủi ro rất lớn. Ví dụ có thể thấy, bài học từ những cái “chết yểu” của các trào lưu như cà phê take away, mì bay, mì cay 7 cấp độ,…

Dương Nguyễn

Tin khác »