Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Mốc 1.000 điểm không dễ “ăn”

Đầu tư Chứng khoán | 22/08/2019

Lực cung tại vùng giá cao luôn chực chờ mỗi khi VN-Index có ý định tiến đến 1.000 điểm khiến mốc điểm này trở thành vật cản cứng với VN-Index.

 

Trong phiên giao dịch sáng, cùng với nhịp tăng của chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng ngay khi mở cửa và VN-Index tiến lên chinh phục mốc kháng cự tâm lý lịch sử 1.000 điểm. Tuy nhiên, khi vừa chớm bước vào vùng điểm này, lực cung chốt lời tại nhiều mã đã gia tăng, đẩy chỉ số thoái lui trở lại, thậm chí xuống thẳng dưới tham chiếu trước khi kịp hồi phục nhẹ và đóng cửa phiên sáng với sắc xanh nhạt.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu bất ngờ gia tăng, kéo VN-Index lên thử sức với mốc điểm 1.000 điểm một lần nữa. Lực cầu mạnh trong phiên chiều đã kéo VN-Index thiết lập đỉnh mới cao hơn đỉnh của phiên sáng và nhiều người đã nghỉ tới mức điểm 1.000 điểm sẽ xuất hiện trên bảng điện tử.

Tuy nhiên, cũng giống như phiên sáng, lực cung giá cao luôn chực chờ tại vùng điểm 1.000 khiến VN-Index một lần nữa bị đẩy lại. Dù vậy, với sự hỗ trợ của VIC, chỉ số này không bị đẩy lại sâu như phiên sáng, mà chốt phiên tăng gần 3 điểm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 2,88 điểm (+0,29%), lên 997,26 điểm với 141 mã tăng và 161 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 153 triệu đơn vị, giá trị 3.807,6 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,6 triệu đơn vị, giá trị 946 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời khiến nhiều mã bluechip quay đầu giảm giá như GAS, SAB, BID, VRE, CTG, HPG, MWG…, các mã khác như VCB, TCB, PLX lùi về tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index được giữ vững nhờ đà tăng tốt của VIC.

Chốt phiên, mã cố phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường tăng 3,02% lên 126.100 đồng với 0,67 triệu đơn vị được khớp. Người anh em là VHM cũng có sắc xanh khi tăng 0,69% lên 87.900 đồng với 0,38 triệu đơn vị.

Ngoài ra, còn có VNM tăng nhẹ 0,08% lên 124.000 đồng, MSN tăng 1,3% lên 78.000 đồng, VJC tăng 0,99% lên 132.200 đồng…

Trong nhóm bluechip, ROS là mã có thanh khoản tốt nhất và cũng tốt nhất sàn với 13,84 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,17% lên 25.950 đồng. Các mã có thanh khoản tốt khác là MBB với 4,78 triệu đơn vị, HPG 3,31 triệu đơn vị, STB 2,73 triệu đơn vị. Các mã PNJ, FPT, POW, VJC, TCB, CTG, VRE, BID được khớp trên 1 triệu đơn vị đến dưới 2 triệu đơn vị.

Trong các mã đáng chú ý, PVD dù không giữ được sắc tím như phiên hôm qua, nhưng vẫn duy trì đà tăng tốt 2,58% lên 17.900 đồng với 6,37 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, với sự hỗ trợ của ACB, VCG, HNX-Index duy trì đà tăng vững, nhưng không thể bứt phá do PVS đảo chiều giảm giá, PVI, NVB đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,47%), lên 103,5 điểm với 59 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,25 triệu đơn vị, giá trị 341 tỷ đồng, giảm 33,5% về khối lượng và 25,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 18,8 tỷ đồng.

Cũng giống VIC trên HOSE, ACB hôm nay trở thành bệ đỡ vững vàng cho HNX khi đóng cửa tăng 1,79% lên 22.700 đồng với 1,65 triệu đơn vị. VCG cũng kịp trở lại với mức tăng 0,38% lên 26.700 đồng với 0,44 triệu đơn vị. NTP cũng tăng 1,04% lên 38.700 đồng, góp phần hỗ trợ cho HNX-Index giữ được sắc xanh.

Trong khi đó, VCS lại giảm 2,59% xuống 86.500 đồng với 0,42 triệu đơn vị, PVI giảm 2,54% xuống 38.400 đồng với 0,52 triệu đơn vị, PVS cũng đảo chiều giảm 1,85% xuống mức thấp nhất ngày 21.200 đồng với 2,39 triệu đơn vị, dù phiên sáng có mức tăng khá tốt.

Tuy nhiên, cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất HNX hôm nay là SHB với 2,56 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 6.100 đồng.

Trên UPCoM, chỉ số chính của thị trường này giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa ít thay đổi.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,16%), lên 57,93 điểm với 106 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,98 triệu đơn vị, giá trị 371 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 70 tỷ đồng.

BSR, VIB và GVR là 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó BSR và VIB đóng cửa dưới tham chiếu, còn GVR tăng nhẹ 1 bước giá.

VGI có mức tăng tốt với 3,01% lên 37.600 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 4 sau 3 mã trên.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, dù mở cửa tăng tốt, nhưng mã VN30F1909 quay đầu đảo chiều từ cuối phiên sáng và duy trì mức giảm trong suốt phiên chiều. Chốt phiên, mã này giảm 0,08% xuống 886,6 điểm với 64.602 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở còn 20.759 hợp đồng.

Mã VN30F1910 đáo hạn ngày 17/10 cũng giảm nhẹ 0,01% xuống 884,8 điểm với 390 hợp đồng, khối lượng mở 265 hợp đồng. Hai mã còn lại có ngày đáo hạn xa hơn lại đóng cửa tăng nhẹ, nhưng thanh khoản thấp.

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vẫn như thường lệ, chỉ có mã GB05F1909 đáo hạn ngày 13/9 có giao dịch với 10 hợp đồng, đóng cửa tăng 0,08% lên 106.150 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã được niêm yết, phiên hôm nay chỉ có 3 mã tăng là CFPT1901, CMBB1902 và CVNM1901, thêm CFPT1902 đứng giá, còn lại đều giảm.

Có thanh khoản tốt nhất là CVNM1901 với 266.710 đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp đến là CMWG1903 với 149.310 đơn vị, CMBB1901 với 140.920 đơn vị.

Tin khác »