Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Tăng trưởng sẽ tốt hơn

Thời báo Ngân hàng | 02/08/2019

Chính phủ đánh giá việc 4 NHTM Nhà nước đã đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5% sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho kinh doanh, giúp tăng trưởng tốt hơn.

 

Thông tin tới báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra tối 1/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngay đầu phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã điểm qua những tin vui đối với nền kinh tế là ngay trong ngày 1/8, 4 NHTM Nhà nước đã đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5% sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho kinh doanh, giúp tăng trưởng tốt hơn.

Không chỉ vậy, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tại phiên họp Chính phủ là sau động thái này của 4 ngân hàng lớn, các ngân hàng khác cũng sẽ giảm lãi suất để tạo điều kiện, hỗ trợ cho DN.

Một tin vui nữa là chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng 7 tiếp tục tăng so với tháng 6 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm). So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm). Ước tính dựa vào PMI cho thấy sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số theo năm vào quý III/2019.

Cùng với đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới. Đơn cử như ADB đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%; IMF dự báo tăng trưởng 6,5%; WB dự báo 6,6%; HSBC là 6,7%. Chỉ số Phát triển bền vững năm 2019 (SDG Index 2019) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp hạng 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 ở ASEAN. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố trong đó Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN…

Về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ đánh giá kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực. Bức tranh vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2019 chỉ tăng 2,61% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng khá; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; xuất siêu 1,8 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%...

Tuy nhiên, qua thảo luận Chính phủ lưu ý tới một số hạn chế như: tình hình hạn hán, cháy rừng đã diễn ra ở một số tỉnh, dịch tả lợn châu Phi còn phức tạp, giá tôm hùm giảm; công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm…

Xung quanh việc nhiều DN đã phát hành trái phiếu DN thời gian gần đây mà Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, trả lời tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tính đến ngày 24/6/2019 dư nợ thị trường trái phiếu DN đạt khoảng 10,2% GDP, tăng 19,2% so với cuối năm 2018.

Trong 7 tháng đầu năm 2019 tổng lượng phát hành trái phiếu DN của cả công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,6% tổng giá trị trái phiếu DN năm 2018, trong đó DN ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, DN bất động sản chiếm 22%; lãi suất trái phiếu DN 7 tháng đầu năm cao hơn năm 2018. Ví dụ như lãi suất trái phiếu của DN ngành bất động sản ở mức trên 10-12%. Trái phiếu của Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất cao nhất 12-14% chỉ là cá biệt.

“Qua rà soát, Bộ Tài chính có đánh giá và bước đầu thấy mức huy động, lãi suất chưa có xu hướng đáng ngại và vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có sự bất thường liên quan đến thị trường tài chính thì sẽ có giải pháp thích hợp”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.

Về nhiệm vụ, giải pháp đối với phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo tăng trưởng, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; đồng thời phải có đánh giá tình hình thế giới, không thể bị động bất ngờ. “Thủ tướng kết luận phải đạt toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế đặt ra là CPI dưới 4%, tăng trưởng thấp nhất 6,8%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, phối hợp hài hòa các chính sách vĩ mô khác để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng; các bộ, ngành liên quan thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có báo cáo giải pháp giải ngân nguồn vốn này nhưng vẫn cần tiếp tục bàn tiếp”, ông Dũng nói thêm.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung kiểm soát, khống chế dịch tả lợn châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức các hội nghị, tập huấn và có hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... để bù đắp khi thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống và người dân.

Tin khác »