Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Gỡ "nút thắt" cho nông sản Việt vào CPTPP

NDH | 03/07/2019

Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, nếu xuất khẩu đúng quy chuẩn quốc tế, nông sản Việt không hề rẻ. Theo ông, sản phẩm Việt Nam năm nào cũng có lãi, song xuất khẩu không phải cách duy nhất để cải thiện đời sống nhân dân.

 

"Đáng buồn khi giá tôm thay đổi, không giữ được giá khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn", bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Nam Phú Hải chia sẻ tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do báoNông thôn Ngày nay/Dân Việttổ chức ngày 2/7.

Với 2 ha nuôi trồng tôm công nghiệp, doanh nghiệp của bà Dịu đã xuất khẩu sang Trung Quốc 15 tấn tôm và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong điều kiện giá rẻ và khó xuất khẩu, chủ doanh nghiệp Nam Phú Hải mong muốn cơ hội xuất khẩu tôm vào các thị trường CPTPP.

Thực trạng nông sản Việt

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc chia sẻ, mặc dù Việt Nam có lợi thế về nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản nhưng lại không thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc nếu muốn hợp tác làm ăn. Lấy ví dụ về việc tìm kiếm thông tin về đối tác rất khó, ông Hong Sun cho rằng doanh nghiệp Việt chưa biết cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp.

Chuối Việt Nam ngon hơn rất nhiều so với sản phẩm Hàn Quốc nhưng khách hàng vẫn không tin tưởng vì không có thương hiệu.

“Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quan được lâu dài hơn. Chúng tôi đã làm được điều đó với quả dừa, chúng tôi có thể cung cấp dừa quanh năm. Trong khi thanh long Việt Nam ngon hơn nhưng lại không bảo quản được lâu”, ông Hong Sun nói.

Để CPTPP có thể giúp nông dân tham gia thị trường quốc tế, theo ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, cần đề cập tới 2 vấn đề. Ông Cường cho rằng cần phải xem xét lại nền nông nghiệp sản xuất của Việt Nam. Diện tích nhỏ lẻ nông nghiệp tại đồng bằng sông Hồng nhỏ lẻ. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải liên kết với nhau thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến. Sự phân tán dẫn tới nhiều yếu kém trong khâu chế biến.

“Chúng tôi muốn hội nhập phải cho chúng tôi những thông tin về hội nhập. Đừng bỏ rơi nông dân, các hộ kinh doanh, hợp tác xã nhỏ, siêu nhỏ...”, ông Cường bày tỏ về vấn đề thứ hai.

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cần đặt ra 2 câu hỏi về thị trường và cách chơi của Việt Nam tại các Hiệp định.“Khi nào chúng ta có cái nhìn về tổng thể về thị trường, khi đó bài toán cơ hội trong Hội nhập của nông sản sẽ có lời giải đầy đủ. Mọi người thường nói, khi hội nhập nông sản Việt sẽ đón nhận cả cơ hội và thách thức nhưng tôi tâm niệm đó là cơ hội và chi phí tuân thủ” ông Thành bày tỏ.

Với CPTPP, EVFTA, ông Thành cho rằng khó nhất của nông sản Việt đó là chi phí tuân thủ rất cao. Chi phí tuân thủ liên quan đến xuất xứ, nội địa hóa rồi các loại tiêu chuẩn, nắm bắt thông tin, chi phí pháp lý, marketing…

Khó tăng trưởng đột biến nông sản sau CPTPP

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết Việt Nam chỉ có thêm 3 đối tác mới trong số 10 thị trường của CPTPP. Do đó, theo ông Khánh, sẽ không có sự tăng trưởng đột biến sau CPTPP vì đây là các thị trường ở xa, quan điểm về tiêu dùng cũng khác Việt Nam.

Dân Việt dẫn lời Thứ trưởng Khánh cho rằng đang có sự hiểu nhầm. Theo ông Khánh, nông sản Việt Nam nếu xuất khẩu đúng quy chuẩn quốc tế không rẻ.

Bên cạnh đó, thương mại nông sản trong nước rất khác với quốc tế. “Chúng ta đang đánh giá hàng nông sản bằng cảm quan. Chúng ta chưa quan tâm đâu là nơi sản xuất ra sản phẩm. Rất nhiều người nông dân nghĩ rằng người nông dân bán được ở trong nước thì sẽ bán được ở quốc tế”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, Việt Nam thường nghĩ rằng Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách. Thứ trưởng cho hay, chính sách của Trung Quốc vẫn giữ nguyên, thậm chí, Việt Nam vẫn bản được các sản phẩm không có trong quy định như sắn, na, bơ… bằng nhiều cách như trao đổi dân cư.

Thực tế, theo Thứ trưởng, sản phẩm của Việt Nam năm nào cũng có lãi. “Xuất khẩu không phải cách duy nhất để cải thiện đời sống nhân dân”, Thứ trưởng Khánh nói.

Hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều cơ hội. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, "không có nghĩa là chúng ta lạc quan hoàn vì ai cũng biết nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới".

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, việc tham gia sâu vào các Hiệp định Thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội tăng xuất khẩu. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở việc tăng sức ép đáng kể đến sức cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.

Kinh nghiệm New Zealand

Là nước thành công trong xuất khẩu nông sản, sản phẩm chăn nuôi, bà Lisa Winthro, Tham tán Thương mại New Zealand chia sẻ có 4 yếu tố để New Zealand tận dụng lợi thế của CPTPP trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đầu tiên, New Zealand luôn là thành viên tích cực của các tổ chức xây dựng những tiêu chuẩn quốc tế để nắm bắt chặt chẽ luật chơi trên sân chơi thương mại toàn cầu.

Thứ hai, New Zealand ý thức được vai trò của đa dạng hóa sản phẩm nông sản nói riêng và sản phẩm xuất khẩu nói chung trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, Chính phủ với những hành động quyết liệt trong việc liên kết chặt chẽ giữa các bên, thúc đẩy chuyên môn hóa và hợp tác trong nước, tạo nên chuỗi sản xuất - xuất khẩu.

Cuối cùng, theo bà, quan trọng nhất là sự ưu tiên hóa một số ngành xuất khẩu nhất định để tận dụng thích hợp và khai thác tối đa những tài nguyên, nguồn lực trong nước.

Bà Lisa cho hay, đây là một câu chuyện dài hạn và khó khăn, nhưng cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay khi mà các nền kinh tế đang hướng tới phát triển bền vững.

“Với New Zealand, mục tiêu của chúng tôi không phải trở thành nhà sản xuất lớn nhất, mà là trở thành nhà sản xuất thu về nhiều lợi nhuận nhất. Tôi hiểu rằng mỗi nền kinh tế có một bối cảnh văn hóa xã hội, kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, toàn cầu hóa là xu hướng chung mà chúng ta hướng tới”, vị Tham tán Nông nghiệp nói.

Tin khác »