Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Giá dầu lao dốc hơn 4%, giá vàng đảo chiều tăng vượt 1.405 USD/ounce

Trí thức trẻ | 03/07/2019

Lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu sau khi các số liệu sản xuất tháng 6/2019 từ khắp các châu lục sụt giảm khiến thị trường hàng hóa nguyên liệu đảo chiều đi xuống trong phiên vừa qua.

 

Dầu giảm 4% do sản xuất trên toàn cầu yếu đi

Giá dầu giảm mạnh hơn 4%, mặc dù OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung tới tháng 3/2019. Nguyên nhân bởi số liệu sản xuất yếu trên toàn cầu khiến các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ.

Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 2,66 USD (4,1%) xuống 62,4 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) giảm 2,84 USD (4,8%) xuống 56,25 USD/thùng, mặc dù phiên liền trước có lúc WTI đạt mức cao nhất hơn 5 tuần.

Một số dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang suy yếu, như vậy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ có thể bị ảnh hưởng. Trên thực tế, OPEC+ cũng cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2019 đã giảm xuống 1,14 triệu thùng/ngày, trong khi tăng trưởng nguồn cung bên ngoài OPEC dự kiến sẽ ở mức 2,14 triệu thùng/ngày. Đây là lý do chính khiến OPEC+ tiếp tục hạn chế nguồn cung.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí nối lại các vòng đàm phán thương mại, nhưng hoạt động tại các nhà máy từ Châu Á tới Châu Âu đều đồng loạt giảm trong tháng 6/2019, trong khi ở Mỹ cũng giảm tốc xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/7/2019 tuyên bố bất cứ thỏa thuận nào cũng phải nghiêng lợi thế về phía Mỹ. Điều này gây nghi ngờ về triển vọng kết quả các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ với Trung Quốc.

Vàng tăng 1,5%

Lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu khiến giá dầu giảm nhưng lại đẩy giá vàng tăng lên. Giá vàng đã cộng thêm 1,5% trong phiên vừa qua, đảo ngược xu hướng giảm mạnh nhất 2,5 năm ở phiên liền trước, do trái phiếu kho bạc Mỹ giảm bởi lo ngại về kinh tế toàn cầu và lại dấy lên mối quan tâm về thương mại quốc tế.

Cuối phiên, vàng giao ngay tăng 1,55% lên 1.405,53 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 8/2019 tăng 1,3% lên 1.408 USD/ounce.

Thị trường vàng đang tập trung chờ số liệu về số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, sẽ được công bố vào thứ Sáu (5/7/2019) để làm cơ sở đoán xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng này hay không.

Mỹ dọa áp thuế cao lên thép Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan

Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Thương mại Mỹ ngày 2/7/2019 cho biết họ sẽ áp thuế cao tới 456% đối với một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó chuyển sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Cơ quan này cho biết họ đã phát hiện có một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam nhưng sử dụng chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc ĐàiLoan

Cơ quan này cũng cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã tìm thấy các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan nằm trong danh mục thuế chống phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.

Được biết, từ tháng 12/2015 Mỹ áp thuế lên các sản phẩm thép Hàn Quốc, và từ tháng 2/2016 lên thép Đài Loan. Từ những thời điểm đó đến tháng 4/2019, các lô thép chống ăn mòn và thép cán nguội Mỹ nhập từ Việt Nam đã tăng lần lượt 332% và 916% so với kỳ liền trước đó.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết các cuộc điều tra đã được họ tiến hành theo yêu cầu của các doanh nghiệp là MT.AS tại Mỹ của ArcelorMittal SA's, Nucor Corp NUE.N, United States Steel Corp X.N, Steel Dynamics Inc STLD.O, California Steel Industries, và AK Steel Corp.

Đồng thấp nhất 2 tuần

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần do triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa. Các số liệu về sản xuất đã gây lo ngại lớn cho các nhà đầu tư vào mặt hàng kim loại công nghiệp, bởi đồng được sử dụng chủ yếu trong các hoạt động xây dựng cũng như trong sản xuất.

Kết thúc phiên vừa qua, đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,1% xuống 5.886 USD/tấn, thấp nhất kể từ 18/6/2019.

Cao su thấp nhất 1,5 tháng

Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) giảm xuống mức thấp nhất một tháng rưỡi do các quỹ nước ngoài bán ra mạnh, mặc dù các nhà tiêu thụ tăng mua vào cuối phiên kéo giá hồi phục phần nào.

Kết thúc phiên vừa qua, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 4,2 JPY, tương đương 2,2%, xuống 191 JPY (1,76 USD)/kg, đầu phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 15/5/2019 là 185,4 JPY/kg.

Cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải cũng giảm 90 CNY xuống 11.325 CNY (1.651 USD)/tấn lúc đóng cửa giao dịch, sau khi có lúc chỉ 11.135 CNY, thấp nhất kể từ 29/3/2019.

Giá dầu thô tăng sau khi OPEC quyết định kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư vẫn lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy yếu. Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn tiếp diễn. Tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc tháng 4/2019 giảm, nguyên nhân được cho là bởi những quy định mới khắt khe hơn ở 15 tỉnh và thành phố của nước này – nơi chiếm hơn 60% tổng tiêu thụ ô tô trên toàn cầu.

Sữa giảm phiên thứ 4 liên tiếp

Giá sữa toàn cầu đã giảm trong phiên đấu giá thứ 4 liên tiếp (diễn ra 2 tuần 1 lần, tức là đã giảm tổng cộng 2 tháng vừa qua), do nguồn cung tăng lên.

Chỉ số giá sữa toàn cầu (GDT) giảm 0,4%, xuống trung bình 3.302 USD/tấn. Trong phiên trước, chỉ số này đã giảm 3,8%.

Cà phê arabica giảm từ mức cao nhất 7 tháng

Giá cà phê arabica trên sàn New York phiên vừa qua giảm do thị trường điều chỉnh sau khi giá lên mức cao nhất 7 tháng bởi lo ngại thời tiết lạnh ở Brazil.

Arabica giao tháng 9/2019 giảm 1,7 UScent tương đương 1,53% xuống 1,0965 USD/lb. Nguồn cung arabica nhìn chung vẫn dồi dào. Brazil đã xuất khẩu 2,8 triệu bao cà phê (1 bao = 60 kg) trong tháng 6/2019, tăng so với 2,16 triệu bao cùng kỳ năm ngoái.

Robusta trong phiên vừa qua (kỳ hạn tháng 9/2019) cũng giảm 30 USD tương đương 2,04% xuống 1.444 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 3 tuần ở phiên liền trước.

Đường giảm do hoạt động bán ra mạnh mẽ

Giá đường thô giao tháng 10/2019 giảm 0,22 UScent (1,75%) xuống 12,35 USD/lb, trong khi đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 giảm 7,2 USD tương đương 2,2% xuống 319,70 USD/tấn.

Thị trường xuất hiện lo ngại rằng mưa ít hơn bình thường ở Ấn Độ có thể hạn chế sản lượng đường tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới này, trong khi sản lượng đường ở Brazil cũng giảm vì tăng cường sản xuất ethanol. Brazil đã sản xuất 1,4 triệu tấn đường thô trong tháng 6/2019, giảm so với 1,71 triệu tấn cùng tháng năm trước.

Giá táo và lê Trung Quốc bắt đầu giảm

Táo và lê là những loại trái cây rất phổ biến với giá cả phải chăng. Năm nay giá 2 trái cây này tại Trung Quốc đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên, gần đây giá táo và lê có dấu hiệu giảm trở lại. So với giữa tháng 6/2019, giá táo hiện đã giảm 3%, còn lê giảm 5,1%.

Trong một thập kỷ qua chỉ có 2 lần giá táo tăng mạnh, nguyên nhân do sản lượng giảm. Lần gần đây nhất là năm 2014, khi giá tăng rất mạnh trong vài tháng, sau đó cũng giảm xuống khi những trái cây mùa Hè được bán nhiều trên thị trường. Mặc dù hiện giá táo vẫn còn tương đối cao, song dự kiến sắp giảm khi có táo vụ mới bán trên thị trường, và giá táo trung bình trong cả năm 2019 dự báo sẽ thấp hơn năm 2018.

Gừng của Trung Quốc tăng 40% trong tháng 6/2019

Thị trường gừng Trung Quốc đang diễn biến bất thường. Trong 6 tháng qua, giá gừng xuất khẩu của Trung Quốc liên tục tăng, chỉ riêng trong tháng 6/2019 tăng 40%. Tháng 6 và 7 hàng năm là mùa xuất khẩu gừng của Trung Quốc. Năm nay giá tăng bởi thời tiết khắc nghiệt (lũ lụt và thiên tai) ở tỉnh Sơn Đông, nơi sản xuất gừng chính, khiến năng suất và chất lượng đều giảm. Việc giá tăng mạnh gần đây khiến cho khách hàng nước ngoài giảm mua. Vụ thu hoạch gừng mới sẽ bắt đầu từ giữa tháng 10, kéo dài tới tháng 12.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng 3/7

Tin khác »