Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Giảm áp lực nợ công

TBNH | 19/04/2019

Tỷ lệ nợ công/GDP đã liên tiếp giảm trong 2 năm vừa qua, xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây cũng được nâng lên… Đó là một số tín hiệu đáng mừng. Nhưng cũng có nhiều yếu tố cho thấy chúng ta chưa thể yên tâm với an toàn nợ công.

 

Nợ giảm, tín nhiệm tăng

Từ mức 63,7% GDP vào năm 2016, nợ công đã giảm nhanh xuống mức 61,4% năm 2017 và tiếp tục giảm xuống 61% GDP năm 2018. Tốc độ tăng thu ngân sách cao hơn chi ngân sách giúp cho bội chi ngân sách giảm trong khi tăng trưởng kinh tế thực giữ được ở mức cao và những nỗ lực tăng cường quản lý, tái cơ cấu nợ công là những yếu tố chính giúp cho nợ công giảm.

Nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý, giám sát nợ công trong mức an toàn là một trong những yếu tố quan trọng khiến các hãng xếp hạng tín nhiệm nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Năm 2018 Fitch và Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên các mức BB và Ba3. Mới đây, Standard & Poor's nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức BB.

Xếp hạng tín nhiệm nâng lên đã tăng thêm uy tín của kinh tế Việt Nam, qua đó giảm phần nào chi phí huy động vốn từ thị trường quốc tế cho cả Chính phủ và DN. Chính vì vậy, có thể xem đó là những yếu tố tích cực, giúp giảm bớt quan ngại trần nợ công có thể dễ dàng bị phá vỡ nếu tốc độ tăng nợ công tiếp tục duy trì như giai đoạn 2011-2016.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, mức nợ công hiện nay vẫn rất sát trần nên chưa thể yên tâm. “Nền tảng tương đối kém bền vững và mức nợ công hiện nay đến trần 65% GDP là rất gần. Chỉ cần chúng ta vay nợ một dự án cơ sở hạ tầng lớn thì có thể lập tức chạm đến 65% ngay”, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn KTVM, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cảnh báo.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, nợ công hiện nay chỉ cách trần nợ công mà Quốc hội đặt ra không xa, điều đó cho thấy nợ công vẫn là điều đáng lo.

Như vậy, điều mà các chuyên gia muốn cảnh báo là mặc dù tỷ lệ nợ công trên GDP không quá cao nhưng nền tảng để kiềm chế và kiểm soát nợ công lại chưa bền vững. Mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP, tổng nợ và nợ hàng năm phải trả mà quan trọng hơn là phụ thuộc vào thực trạng phát triển của nền kinh tế, cơ cấu nợ (nhất là khả năng vay nợ nước ngoài với chi phí thấp đi), khả năng trả nợ và các rủi ro trong tương lai.

Hơn nữa, nếu nhìn đến cơ cấu nợ công thì nợ của Chính phủ chiếm tỷ lệ lớn nhất (hiện chiếm khoảng 80%) và trong đó, nợ nước ngoài chiếm gần 60%. Để đáp ứng được nhu cầu vay ngày càng lớn (trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài ngày càng hạn hẹp) thì ngoài việc phải tăng huy động từ nguồn trong nước, việc làm sao giảm được chi phí vay từ nước ngoài là rất quan trọng.

Lỗi hẹn với thời gian

Như đã nói ở trên, việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng xếp hạng cho Việt Nam trong thời gian vừa qua là một yếu tố tích cực, giúp phần nào giảm bớt chi phí vay.

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là chi phí vay trên thị trường quốc tế còn rất cao vì chúng ta vẫn còn cách vài bậc (với điều kiện không bị đánh tụt hạng xếp hạng tín nhiệm và tiếp tục được nâng từ 2-3 lần nữa) mới đạt đến “mức khởi điểm đầu tư” mà các hãng xếp hạng tín nhiệm đặt ra (ở mức này, lãi suất vay sẽ giảm đi đáng kể).

Nhìn lại thực tiễn quá trình nâng hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thấy rằng, thường phải mất nhiều thời gian cho mỗi lần nâng hạng. Trong khi đó theo Đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia năm 2013, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt mức tối thiểu bằng mức khởi điểm đầu tư. Điều này có nghĩa chúng ta chắc chắn đã “lỗi hẹn” về mặt thời gian và cần rất nhiều nỗ lực mới mong đạt được mục tiêu này trong tương lai.

Trong khi đó, hiện chúng ta đã có một “rừng” từ luật đến các nghị định, thông tư hướng dẫn về quản lý nợ công nhưng trong khâu triển khai thực hiện vẫn còn nhiều phức tạp, vướng mắc. Giảm áp lực nợ công, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ và hướng tới nền tài khóa bền vững vì vậy sẽ cần thực hiện nhiều giải pháp theo lộ trình cụ thể.

Trong đó, cần đặc biệt tập trung vào giữ kỷ luật chi ngân sách theo đúng dự toán. Phần tăng thu (nếu có), cần được dùng để giảm bội chi. Các khoản chi ngân sách của bộ, ngành và địa phương chỉ được cho phép trong giới hạn ngân sách đã dự toán và người đứng đầu đơn vị được cấp dự toán phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vượt chi. Để đảm bảo kỷ luật tài khóa, việc kiểm tra, giám sát chi tiêu công là rất quan trọng và do đó khâu này cần phải được thể chế hóa và bắt buộc thi hành.

Nhấn vào vấn đề kỷ luật tài khóa nhưng PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, cần cắt giảm được một cách đáng kể với chi thường xuyên – mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi tiêu ngân sách. Theo chuyên gia này, trong nhiều năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều đến việc tinh giản bộ máy, giảm chi thường xuyên nhưng không thực hiện được. Do đó, đã đến lúc vấn đề này cần được làm quyết liệt trước khi muốn vay nợ để tài trợ các cơ sở hạ tầng mới mà không làm nợ công và thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ cấu lại vốn vay theo hướng hạn chế vay nước ngoài, từng bước thay thế bằng nợ trong nước để giảm rủi ro vỡ nợ và an toàn tài chính quốc gia. Nợ trong nước sẽ huy động thông qua các đợt phát hành trái phiếu với lãi suất phù hợp để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư. Thực hiện được điều này vừa giúp điều chỉnh được cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, vừa giảm được những biến động bất lợi về tỷ giá khi vay nợ nước ngoài.

Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ bảo lãnh Chính phủ và giảm bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án của DNNN, trừ những dự án có hiệu quả kinh tế, để thực hiện chức năng xã hội và hoạt động không vì mục đích thương mại. Hiện các khoản nợ của DN, tổ chức tài chính, tín dụng được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng trên 17% trong tổng nợ công. Trong đó, nợ vay nước ngoài chiếm khoảng 55%.

Theo các chuyên gia, việc vay nợ nước ngoài nhiều theo hình thức này có thể khiến bên đi vay đối diện với rủi ro do biến động tỷ giá, làm cho áp lực trả nợ tăng lên. Đặc biệt trong trường hợp rủi ro xảy ra, khiến cho bên đi vay không trả được nợ, thì trách nhiệm trả nợ đương nhiên thuộc về Chính phủ.

Đỗ Lê

Tin khác »