Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Nền kinh tế khởi động suôn sẻ

TBNH | 15/02/2019

Nền kinh tế đã có khởi đầu khá thuận lợi trong tháng đầu tiên của năm 2019. Tuy nhiên nhìn về quãng đường sắp tới, vẫn có nhiều vấn đề cần quan tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.

 

Nhiều yếu tố hậu thuẫn

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh các khu vực chủ yếu của nền kinh tế trong tháng đầu năm diễn biến tích cực, trong đó khu vực dịch vụ diễn ra sôi động trong dịp Tết Dương lịch và cận Tết Nguyên đán, điển hình là dịch vụ bán buôn bán lẻ, vận tải; khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao; tổng cầu và sức mua tăng nhanh. Thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ. Hoạt động phát triển DN tiếp tục có chuyển biến, quy mô DN đăng ký mới tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Khởi đầu tích cực của nền kinh tế trong tháng 1 cho thấy, nền tảng năm 2018 đã tạo đà cho tăng trưởng năm 2019. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) dẫn chứng, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo; tỷ giá cơ bản vẫn trong khả năng giám sát của NHNN; dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân vãng lai thặng dư liên tục 8 năm liền,… nhờ đó chất lượng tăng trưởng được nâng lên bền vững hơn.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 sẽ được hậu thuẫn của một số yếu tố bên ngoài, đó là lợi ích từ thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA); tác động gián tiếp từ Luật Thuế thu nhập DN của Mỹ áp dụng từ đầu năm 2018 sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tư liệu sản xuất của nước này.

Trong nước, Chính phủ đã ban hành khung chính sách kinh tế Việt Nam trong năm 2018, trong đó nhấn mạnh phát triển khu vực tư nhân như một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế trung hạn. Như vậy, các chính sách nhằm khuyến khích khu vực tư nhân sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới...

Tuy nhiên, NCIF cho rằng, khó khăn nội tại của nền kinh tế, trong đó có khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với DN trong nước sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thu ngân sách năm 2019. Số lượng DN ngừng hoạt động có thể tăng cao do sức ép cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường và điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu trong khuôn khổ CPTPP… sẽ làm giảm bớt nhu cầu việc làm. Thêm vào đó, vẫn còn nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chưa được gỡ bỏ, ví dụ chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, tiếp cận đất đai và cạnh tranh bình đẳng.

Đối diện những thách thức, nhiệm vụ mới

Mặc dù xu thế dự báo tích cực vẫn là chủ đạo, song các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng bối cảnh chung của kinh tế thế giới sẽ không còn thuận lợi như giai đoạn trước. Kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo giảm tốc hoặc nhiều nhất chỉ duy trì mức tăng như năm 2018. Theo IMF, các nền kinh tế phát triển sẽ giảm tốc trong năm 2019, như Mỹ tăng trưởng 2,5%, châu Âu 1,9%, Nhật Bản 0,9%, Trung Quốc 6,2%; trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giữ được tương đương năm 2018, đạt khoảng 4,7%. Các diễn biến của kinh tế thế giới thời gian tới sẽ buộc Việt Nam phải điều chỉnh lại các chính sách phát triển kinh tế trong nước.

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế thế giới thuộc NCIF lo ngại về tác động sâu hơn của chiến tranh thương mại sang khu vực sản xuất sẽ làm thay đổi định vị về chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu như trong năm 2018, tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại chưa thực sự rõ ràng, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi nhiều hơn, thì trong năm tới đây các chuỗi sản xuất trong nước sẽ dần “ngấm đòn”. Cụ thể là chi phí đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc có thể sẽ dần phải thay thế bằng nguồn nhập khẩu giá cao hơn.

Điều này đặt ra bài toán cho các DN sản xuất phải đa dạng hoá nguồn nhập khẩu hàng hoá làm nguyên liệu đầu vào. Giải pháp lâu dài hơn là cơ quan quản lý cần có chính sách thúc đẩy mạnh hơn ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước để giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, ông Thắng chỉ ra rằng việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… đòi hỏi yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ…

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá, CPTPP có hiệu lực đã đặt ra nền kinh tế Việt Nam trước những nhiệm vụ chưa bao giờ xuất hiện ở giai đoạn 2016– 2018, đây là những khó khăn chờ đón nền kinh tế trong thời gian tới. Chẳng hạn, Việt Nam sẽ có thêm những thị trường mới tương đối dễ tính ở Mỹ Latinh để đưa những sản phẩm hàng hóa là thế mạnh của mình vào. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, thị trường trong nước cũng phải mở cửa cho các nhà sản xuất của khu vực Bắc Mỹ và khu vực có sức cạnh tranh, chất lượng hàng hóa cao hơn tràn vào.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng lưu ý, việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam cải thiện đáng kể cả về xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng có thể gia tăng nhập siêu. Bên cạnh đó, công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học 4.0 buộc các nước đang theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam phải có những điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế.

Đó là chưa kể những hạn chế, yếu kém tích tụ trong nội tại nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng thấp và năng suất lao động ở mức thấp vẫn sẽ tiếp tục hiện hữu. Động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự rõ nét, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế. Nợ công đang ở mức cao và tỷ lệ trả nợ lớn trong những năm tới đây có thể gây tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô...

Ngọc Khanh

Tin khác »