Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Việt Nam có bị ảnh hưởng?

DDDN | 07/12/2018

Những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới đang gây áp lực mạnh lên giá dầu trong thời gian vừa qua, liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng - với tư cách là nước nhập khẩu xăng?.

 

Việc Qatar ngày 3/12 tuyên bố rút khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã khiến các nhà đầu tư lo ngại việc hoạch định chính sách trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ thiếu ổn định, trong bối cảnh ngành này đối mặt với tình trạng cung vượt cầu khiến giá dầu giảm suốt giá 2 tháng qua.

Sự bất ổn bao trùm

Ông Albert Helmig, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Grey House chuyên về cấu trúc thị trường, quản lý rủi ro và mô hình giá, nhận định: "Sự bất ổn cao và giá giảm mạnh trong 60 ngày qua sẽ tác động lâu dài lên giao dịch dầu mỏ vào quý I/2019".

Còn theo chuyên gia Ann-Louise Hittle thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie có trụ sở tại Edinburgh, Scotland, quyết định của Qatar "đưa ra vào thời điểm OPEC cần tìm ra một thỏa thuận trước sự hoài nghi của thị trường về khả năng kiểm soát sản lượng của tổ chức này".

Chuyên gia Hittle cũng chỉ ra rằng những quốc gia nhỏ hơn thuộc OPEC đã đóng vai trò tương đối bị động trong việc đưa ra quyết sách của tổ chức và "có thể Qatar cũng nhận thấy nước này không thu được gì nhiều từ vai trò thành viên".

Động thái của Doha cũng phản ánh sự rạn nứt sâu sắc giữa nước này và các nước láng giềng vùng Vịnh kể từ tháng 6/2017 khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE và một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Việc Qatar rời khỏi OPEC làm gia tăng quan ngại rằng Saudi Arabia, Nga và Mỹ, ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng dầu thế giới, sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi "địa chính trị" đã trở thành một trong những lực đẩy chính phía sau giá dầu.

Tương lai “bấp bênh” của giá dầu thế giới

Việc Qatar rút khỏi OPEC được nhận định sẽ không có tác động lớn đến thị trường dầu mỏ quốc tế trong năm tới, bởi sản lượng dầu mỏ của Qatar chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng dầu thô của OPEC. Tuy vậy sự ra đi của thành viên lâu năm này lại là “chuyện lớn” đối với hình ảnh và sự đoàn kết của tổ chức OPEC.

Đây không phải lần đầu tiên OPEC chứng kiến các thành viên nói lời chia tay. Indonesia gia nhập năm 1962 và từng tạm ngừng tư cách thành viên hai lần, gần đây nhất vào tháng 11/2016. Các thành viên khác như Gabon và Ecuador cũng tạm ngừng tham gia OPEC trong những năm 1990 và quay lại sau đó vài năm.

Tuy nhiên, trường hợp của Qatar gây chú ý hơn cả. Ngoài 5 nước sáng lập gồm Iran, Iraq, Venezuela, Kuwait và Saudi Arabia, Qatar là thành viên lâu năm nhất trong số các thành viên OPEC. Là một trong số những quốc gia giàu có nhất thế giới, với nguồn lực tài chính dồi dào, Qatar có tiếng nói quan trọng với các nước trong OPEC.

Trong nhiều năm, Qatar đã duy trì là cầu nối quan trọng giữa các nước trong liên minh. Ngoài ra, nước này còn giữ vai trò trung gian giúp kết nối giữa OPEC với các đối thủ dầu mỏ lớn khác như Nga hay Mỹ.

Ngoài ra, sự ra đi của Qatar kèm theo những bất mãn về sự chi phối của một vài quốc gia trong OPEC cho thấy nội bộ tổ chức này đang bị chia rẽ và “rạn nứt” nghiêm trọng. Trong bối cảnh OPEC đang cố gắng thu hút thêm các thành viên mới, quyết định vừa rồi của Qatar sẽ đặt ra những hoài nghi về danh tiếng và hình ảnh của tổ chức này. Còn trong nội bộ OPEC, việc rút lui của Qatar có thể sẽ mở đường cho các thành viên nhỏ khác làm điều tương tự. Và như vậy, sự tan rã của OPEC là viễn cảnh có thể xảy ra (!?).

Trước mắt, sự kiện này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lòng tin và khả năng OPEC bình ổn thị trường dầu mỏ. Hiện, giá dầu đang xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua. Các cuộc thảo luận chính sách tới đây của OPEC sẽ không còn sự tham gia với vai trò kết nối quan trọng của Qatar.

Và đây là điều khiến giới đầu tư hết sức lo ngại cũng như đặt ra thách thức trong cơ cấu tổ chức của OPEC. Đó là chưa kể, việc Qatar rời khỏi OPEC cũng làm gia tăng quan ngại rằng Saudi Arabia, Nga và Mỹ - bộ ba "đại gia" dầu mỏ hàng đầu thế giới, sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi địa chính trị đã trở thành một trong những lực đẩy chính phía sau giá dầu.

Việt Nam cần làm gì giữa những biến động này?

Khi nói về tương lai của thị trường dầu mỏ thế giới, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh OPEC đang “lỏng lẻo”, các ông lớn không dàn xếp được nguồn cung - cầu, rất có thể những tháng đầu năm 2019, sắc xám vẫn sẽ bao trùm thị trường dầu mỏ”.

Ông Ruệ cũng đặt câu hỏi, Qatar đã rút, liệu trong năm 2019, có thành viên nào sẽ tiếp tục nói lời chia tay tổ chức này? Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục vươn lên và trở thành “đại gia” chi phối thị trường dầu mỏ toàn cầu, chứ không phải là các “ông trùm” Trung Đông!!

Việt Nam không phải là một là một quốc gia có vai vế gì trong thị trường dầu mỏ, khi  xuất khẩu dầu thô, nhưng lại nhập khẩu xăng dầu. Khi hai nhà máy lọc dầu Nghị Sơn và Bình Sơn đi vào hoạt động ổn định. Theo ông Ruệ, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khá nhiều. Các đầu mối lớn thay vì nhập khẩu nước ngoài thì sẽ nhập xăng của hai nhà máy trong nước.

Nếu biết tận dụng, đây chính là cơ hội để ngành xăng dầu Việt Nam phát triển. Tuy nhiên - ông Ruệ cho biết thêm. Để có thể tận dụng được những lợi thế này, các chính sách linh hoạt, cụ thể là Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo Chủ tịch VINPA, Về quỹ bình ổn giá, bản chất của việc trích lập quỹ này là người tiêu dùng đã ứng trước cho Quỹ. Việc sử dụng quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó thị trường và hàng nghìn tỷ đồng dư quỹ để riêng không đưa vào kinh doanh là sự lãng phí.

Ông Ruệ cho biết thêm: “Về tần suất điều chỉnh giá, Nghị định 83 quy định, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Với quy định này, giá bán lẻ trong nước khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh khó dự báo những yếu tố tác động lên giá dầu như: kinh tế, chính trị... liên tục diễn biến phức tạp như hiện nay"

Việt Nga

Tin khác »