Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Ngành giấy điêu đứng vì siết nhập nguyên liệu

TBKD | 17/10/2018

Sản xuất của ngành giấy dự kiến đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2018. Mục tiêu này sẽ khó thành hiện thực khi các doanh nghiệp giấy đang "đói" nguyên liệu, sản xuất cầm chừng, khiến hơn 300 doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.

 

Tại Hội thảo "Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam" ngày 16/10, theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), hiện nay, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu (NK) gần 2 triệu tấn giấy cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và cho sản xuất.

Phụ thuộc nguyên liệu nhập

Theo báo cáo của VPPA, ghi nhận trong lịch sử tăng trưởng các ngành công nghiệp Việt Nam, ngành giấy có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% vào giai đoạn 2000-2007 và 16% giai đoạn 2007-2016.

Theo dự báo, nhu cầu giấy của Việt Nam trong thời gian tới có thể tăng trưởng 8-10%/ năm. Năm nay, dự kiến ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu (XK) dự kiến đạt trên 1 tỷ USD.

Riêng đối với giấy bao bì, nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và XK có mức tăng trưởng rất lớn, vì vậy việc tăng năng lực sản xuất đối với giấy bao bì còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Song hiện nay, "nút thắt" lớn nhất của ngành giấy là nguyên liệu. Nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các DN, dẫn đến nhu cầu NK số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước. Theo ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới.

Nhận định thực tế này, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), chia sẻ 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu, trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải NK.

Tuy nhiên, hiện nay, các DN ngành giấy đang vướng phải tình trạng khó NK giấy phế liệu do chính sách siết chặt NK phế liệu. Điều đó dẫn tới các DN đang đối mặt nhiều khó khăn, phát sinh nhiều chi phí tốn kém khi các lô hàng giấy phế liệu NK đang kẹt tại cảng.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Tổng Giám đốc CTCP Giấy Việt Trì, bức xúc trước việc giấy phép NK giấy phế liệu của DN này hết hạn vào ngày 15/7/2018, đến nay đã hơn 3 tháng vẫn chưa được cấp lại. Hệ quả là hoạt động sản xuất của công ty đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó, đại diện các DN thành viên VPPA cho biết việc Tổng cục Hải quan đưa ra nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn đối với giấy phế liệu NK đã khiến DN tốn nhiều thời gian và chi phí như quy định giấy phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất vừa phải có giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ TN&MT chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này.

Thống kê của VPPA từ ngày 26/6 – 10/7, chỉ riêng phí lưu container, ước thiệt hại của các DN NK giấy phế liệu lên đến gần 30 tỷ đồng, chưa kể những thiệt hại trong sản xuất do phải dừng máy hay phạt hợp đồng do giao hàng không đúng hẹn.

Doanh nghiệp lao đao

Liên quan tới dự thảo sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất, các DN cho rằng việc siết chặt quản lý phế liệu là cần thiết khi có một số DN đã lợi dụng những kẽ hở trong quản lý NK phế liệu cho sản xuất để nhập rác vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, nhiều nhóm phế liệu như giấy hỗn hợp vẫn là nguyên liệu sản xuất quan trọng của các ngành công nghiệp tái chế nhưng có khả năng bị đưa ra khỏi danh mục được phép NK trong tương lai gần, gây khó khăn cho DN.

Ông Phạm Đình Thưởng, chuyên gia phân tích chính sách, cho rằng nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu tái chế này chắc chắn sẽ khiến các DN giấy lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành giấy. Mặt khác, việc siết chặt quản lý đột ngột khiến DN lâm vào thế bị động.

Nhà máy cần vận hành hằng ngày nhưng nguyên liệu cần lại không thể đến khiến hoạt động sản xuất đình trệ. Việc này cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến một chuỗi các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp bao bì, ngành công nghiệp XK.

Dẫn kinh nghiệm quản lý NK phế liệu giấy của một số nước, ông Thưởng cho biết Thái Lan và Indonesia cho phép NK các loại phế liệu giấy và không có quy định kiểm định lô hàng NK phế liệu giấy tại cảng. Thay vào đó, Chính phủ kiểm định ngay tại nhà máy sản xuất về các hoạt động đảm bảo an toàn môi trường, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn.

Hàn Quốc cho phép NK các loại phế liệu tái tạo, bao gồm phế liệu giấy và không coi đó là phế liệu mà là sản phẩm và không cần khai báo/ xin phép.

Ông Phan Chí Dũng cũng cho hay việc lo ngại NK phế liệu sẽ biến Việt Nam thành bãi rác chỉ đúng khi nguyên liệu này không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào, còn một khi đã là nguyên liệu sản xuất quan trọng, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì cần cẩn trọng xem xét.

Các chuyên gia kiến nghị nên sử dụng các công cụ khác như phân luồng vi phạm theo mức độ, xác suất sai phạm theo mức độ, xác suất sai phạm qua kiểm định của các DN chứ không đánh đồng tất cả như một.

Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, chỉnh sửa tiêu chuẩn giấy tái chế đang nhập vào Việt Nam để giấy tái chế được quản lý và cân nhắc như tiêu chuẩn một nguồn nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, thay đổi tên nguyên liệu giấy từ "phế liệu giấy" thành "giấy thu hồi sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất".

Trong khi vấn đề siết hay không siết NK giấy phế liệu vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi giữa cơ quan quản lý và DN, chuyên gia Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở quy định ký quỹ NK phế liệu.

Cụ thể, trước đây, muốn NK phế liệu, trước khi hàng xuống cảng, DN phải ký quỹ – nộp tiền vào quỹ NK phế liệu, sau đó cơ quan nhà nước kiểm tra, nếu hàng đáp ứng được quy chuẩn sẽ cho vào, không đáp ứng được quy chuẩn sẽ dùng tiền trong quỹ đó xử lý lô hàng hoặc xuất đi.

Tuy nhiên, Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu sau khi ra đời đã quy định khi hàng xuống cảng, DN thuê giám định về kiểm tra, nếu đạt yêu cầu thì DN mới phải nộp tiền vào quỹ; nếu giám định không đạt, DN sẽ không nộp tiền.

Điều đó dẫn tới thực tế như hiện nay, nhiều lô hàng phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhưng Nhà nước không có tiền để xử lý. Tuy nhiên, thay vì sửa đổi quy định thiếu hợp lý trên, để xử lý tình trạng này, cơ quan quản lý lại tìm cách siết chặt bằng cách nâng quy chuẩn, cắt bỏ danh mục phế liệu được phép NK.

"Đây không phải là giải pháp hữu hiệu, vì gây ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính", ông Đức nhấn mạnh.

Lê Thúy

Tin khác »