Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Đãi cát chưa chắc đã tìm thấy vàng

TBKD | 25/05/2020

Nhu cầu tiêu thụ thuốc và khẩu trang tăng cao trong dịch Covid-19 đã giúp hầu hết các doanh nghiệp ngành dược ghi nhận đà tăng trưởng trong quý I/2020. Điều này đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu của nhóm này, tuy nhiên thực tế đang đi ngược lại với kỳ vọng.

 

Thực tế, cổ phiếu ngành dược phẩm đã và đang trở thành tâm điểu của các nhà đầu tư kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay khi vấn đề đảm bảo sức khoẻ đang được ưu tiên hàng đầu, kéo theo nhu cầu thiết bị y tế, thuốc men tăng vọt trong thời gian gần đây, cũng như dự báo giai đoạn tới bởi dịch bệnh có thể kéo dài do việc chế tạo vắc xin kháng Sars-CoV-2 còn mất nhiều thời gian.

Lộ dần những điểm yếu

Theo dữ liệu từ FiinPro, hầu hết các doanh nghiệp dược đều báo lãi tăng trong quý I/2020, trong đó, Dược Hậu Giang (mã: DHG ) là doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao nhất với 177 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, hoàn thành 27% kế hoạch năm.

Đứng thứ 2 về lợi nhuận là CTCP Pymepharco (mã: PME) ghi nhận 75 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiếp đó là CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã: IMP) với doanh thu đạt 304 tỷ đồng, tăng 11%, lợi nhuận sau thuế là 41 tỷ đồng, tăng 13%.

Imexpharm kỳ vọng hoạt động kinh doanh sắp tới tăng trưởng mạnh nhờ kênh ETC (kênh bệnh viện). Cụ thể, doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 1.750 tỷ, tăng 23,3% cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là 260 tỷ đồng, tăng 17%. Như vậy, doanh nghiệp ngành dược đã hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận.

Ở chiều ngược lại, dược phẩm Domesco (mã: DMC), dược phẩm Agimexpharm (mã: AGP) và dược phẩm Trung Ương 2 (mã: DP2) lại có kết quả kinh doanh quý I/2020 theo hướng đi xuống. Trong đó, Domesco ghi nhận doanh thu giảm 6% còn 290 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của Domesco, lợi nhuận công ty giảm là do chi phí bán hàng quản lý doanh nghiệp tăng lên nhằm đảm bảo thu nhập cho người lao động, trang thiết bị phòng chống dịch cùng với đó là các chi phí khác để đảm bảo sức khoẻ và môi trường làm việc trên toàn hệ thống công ty.

Kết thúc quý I, doanh thu của Agimexpharm tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ lên 131 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại giảm gần 12% chỉ còn 8,2 tỷ đồng. "Thảm" hơn, lợi nhuận của Dược phẩm Trung ương 2 còn là con số âm 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 2,7 tỷ đồng.

Thực tế, ngành được luôn được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ đặc điểm dân số Việt Nam già hoá, xu hướng tiêu dùng chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, dịch bệnh có thể mang lại lợi thế cho ngành dược trong ngắn hạn nhưng nếu kéo dài sẽ tác động đến nguồn nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Từ đó, các doanh nghiệp dược có thể phải chuyển qua nhập khẩu từ các khu vực khác với giá thành cao hơn.

Tại báo cáo thường niên của CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, mã: DBD) cho biết, hơn 80% nguyên liệu chính cho sản xuất của công ty là nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là nhà cung cấp các nguyên vật liệu lớn nhất thế giới nhưng nhiều nhà máy không thể hoạt động do dịch bệnh Covid-19.

Dược phẩm Domesco cũng cho biết, công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí làm ngưng trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh tại một số sản phẩm phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu do các sản phẩm chính có nguồn gốc từ nguyên liệu Trung Quốc.

Cổ phiếu đuối sức

Trước đó, trong các báo cáo nghiên cứu của công ty chứng khoán, dược phẩm là ngành được đánh giá cao giữa đại dịch Covid-19. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư tin rằng dược là ngành hiếm hoi có thể giúp nhà đầu tư tăng lợi nhuận.

Thực tế, trong những tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư đã "ăn đậm" nhờ nhóm cổ phiếu dược. Tuy nhiên, mức tăng này chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Dẫn ví dụ về cổ phiếu DHG, sau khi chạm ngưỡng gần 100.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi cuối tháng 1, DHG đã nhanh chóng điều chỉnh nhưng vẫn giữ được vùng giá 9x.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 3, cổ phiếu DHG đã giảm sâu về vùng giá dưới 80.000 đồng/cp, tính đến thời điểm hiện tại, cùng với xu hướng của thị trường chung DHG cũng đã hồi phục về quanh mức 93.000 đồng/cp nhưng so với thời điểm bứt phá đầu năm, DHG vẫn ghi nhận mức giảm khoảng 6%.

Song song với mức giảm của thị giá, thanh khoản của DHG đã không còn được sôi động như thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, hiện chỉ còn trung bình khoảng hơn 20.000 đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.

Có diễn biến tương tự với DHG là cổ phiếu DHT của Dược phẩm Hà Tây. Hồi cuối tháng 1 đầu tháng 2/2020, DHT đã gây bất ngờ cho giới đầu tư khi tăng mạnh lên gần 60.000 đồng/cp trong khi nhiều tháng trước đó mã này duy trì giao dịch tại vùng giá dưới 50.000 đồng/cp.

Thế nhưng, tính đến phiên giao dịch ngày 22/5, DHT đã lùi sâu hơn vạch xuất phát và tính chung trong khoảng gần 5 tháng đầu năm, DHT vẫn trong diễn biến đi lùi.

Đối với cổ phiếu IMP dù vẫn giữ được mức tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng khiêm tốn hơn hẳn so với vài tháng trước đó. Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, cổ phiếu IMP dừng ở mức 52.900 đồng/cp, tăng nhẹ so với đầu năm 2020 nhưng đã giảm 14,7% so với hồi cuối tháng 2.

Mã cổ phiếu MKV của Dược thú y Cai Lậy còn thê thảm hơn khi không thể “tan băng”. MKV có chuỗi ngày bất động ở mức giá 10.800 đồng/cp và không có bất cứ giao dịch nào phát sinh trong thời gian dài. Chỉ đến phiên 6/5, MKV mới có 1 giao dịch điều chỉnh về 10.000 đồng/cp với 110 cổ phiếu được khớp lệnh nhưng kể từ đó tới nay MKV lại nối dài những chuỗi ngày đóng băng.

Chia sẻ về "sóng" cổ phiếu dược vừa qua, ông Nguyễn Hồng Khanh - Trường phòng phân tích CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, khi có dịch diễn ra nhóm cổ phiếu ngành dược sẽ được các nhà đầu tư nghĩ đến đầu tiên bởi tâm lý được hưởng lợi và ngay lập tức nhiều cổ phiếu nhanh chóng được đẩy giá.

“Điểm đáng lưu ý trên sàn là cổ phiếu bản chất kém thanh khoản do mức độ sở hữu cô đặc nên càng dễ bị đẩy giá hơn. Dĩ nhiên nhà đầu tư khi tham gia mua vào cổ phiếu ngành dược phần lớn cũng có tư tưởng ngắn hạn vì vậy chỉ sau thời gian ngắn giá cổ phiếu nhóm ngành này đã hạ nhiệt. Do cổ phiếu ngành dược có tỷ lệ chuyển nhượng tự do không nhiều nên biến động cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ khó lường đặc biệt nếu lực cầu gia tăng mạnh”, ông Khanh nhận xét.

Ngoài ra, theo Vietnam Report, ngành dược Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên hiện nay việc đầu tư mở rộng, tăng công suất, hoạt động nghiên cứu và phát triển, các chiến lược marketing còn hạn chế. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh gay gắt với thuốc nhập khẩu, nguồn nguyên liệu bị phụ thuộc, chính sách còn nhiều bất cập là thách thức đối với nhóm doanh nghiệp này.

Do đó, các doanh nghiệp ngành dược cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường công tác quản trị, nâng cao năng lực tài chính, nguồn nhân lực thế mới đạt được những mục tiêu phát triển cũng như nắm bắt được xu hướng chung của ngành để hội nhập kinh tế toàn cầu.

Linh Đan

Tin khác »