Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

EVFTA có hiệu lực, dệt may vẫn gặp khó về quy tắc xuất xứ

BDT | 14/05/2020

Quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam do thực trạng ngành dệt may chưa đủ vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vào EU, mà việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu.

 

Quốc hội Việt Nam đã lên kế hoạch phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong tháng 5, và Hiệp định sẽ có hiệu lực trong tháng 7 (2 tháng sau khi phê chuẩn).

Dù vậy, ngành dệt may chưa thể tăng tốc xuất khẩu được ngay do tổng cầu hàng dệt may không chỉ tại EU mà toàn cầu đang giảm mạnh vì dịch Covid-19. Cùng với đó là việc hưởng các ưu đãi thuế quan khi EVFTA có hiệu lực còn hạn chế.

Theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI, hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam hiện đang có mức thuế suất ưu đãi là 9% theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Vì mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng là mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là 12%, nên phần lớn các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức.

Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2).

Để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, các doanh nghiệp phải đảm bảo, nguyên liệu vải để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hoặc Hàn Quốc, vốn là những quốc gia đã có FTA với EU. Trong khi đó, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam hiện đến từ Trung Quốc và Đài Loan.

Ngay cả khi các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước chuyển sang nguồn vải của Hàn Quốc là không kinh tế ngay cả khi được hưởng lợi từ mức thuế suất 0% từ EVFTA.

Với những phân tích như vậy, Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, EVFTA không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may. Việc các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có thể tận dụng Hiệp định này hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của Việt Nam.

SSI cũng chỉ ra, trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG có thị phần xuất khẩu sang châu Âu lớn nhất về doanh thu, với 53%, tiếp theo là Công ty CP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC) là 40%.

Tuy nhiên, GMC cho biết công ty phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này có nghĩa là công ty không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của EVFTA. TNG có thể có nhiều cơ hội vì công ty sử dụng một lượng vải nội địa nhất định. Tuy nhiên, khả năng đối với TNG cũng như các nhà sản xuất may mặc khác, để cụ thể hóa lợi ích của EVFTA, vẫn phải phụ thuộc vào công suất sản xuất vải của Việt Nam.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhận định, Quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam. Thực trạng ngành dệt may Việt Nam chưa đủ vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vào EU, việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán cạnh tranh với các quốc gia khác.

Giả định thuế suất thuế nhập khẩu giảm 1%, doanh thu xuất khẩu tăng 2% (chưa tính đến tăng trưởng xuất khẩu thông thường hàng năm), dự báo kim ngạch xuất khẩu sang EU giai đoạn 2020- 2025 sẽ tăng thêm như sau:

2020

2021

2022

2023

2024

2025

KNXK tăng thêm(triệu USD)

157

342

527

711

875

 

Vitas cho rằng, trong ngắn hạn Hiệp định EVFTA khó tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho ngành dệt may Việt Nam như thời kỳ gia nhập WTO hay ký BTA với Mỹ, EVFTA kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường EU, giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ hạn chế bớt các rủi ro khi thị trường Mỹ biến động do xung đột thương mại Mỹ-Trung chưa kết thúc.

Đặc biệt, với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới, với tổng cầu may mặc tăng trưởng bình quân 3%/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%.

Trong dài hạn, vẫn còn nhiều dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

 

Thế Hải

Tin khác »