Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Công ty chứng khoán dè dặt với kế hoạch lợi nhuận năm 2023

DTCK | 23/03/2023

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng và mở rộng quy mô tài sản, năm 2023, nhiều công ty chứng khoán thận trọng hơn khi đặt ra kế hoạch kinh doanh, kéo theo nguồn chi trả cổ tức “eo hẹp” hơn trước.

 

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nằm trong số ít doanh nghiệp ngành chứng khoán có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022. Thu về 367 tỷ đồng doanh thu và 180 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt giảm 6,8% và 58% so với năm 2021, nhưng Agriseco vẫn vượt 1,35% mục tiêu đề ra. Tại cuộc họp cổ đông tổ chức vào cuối tháng 6/2022, Agriseco đã lường trước những tác động của tình hình thế giới và trong nước đến thị trường tài chính.

Trước đó, cuối tháng 4/2022, VNDirect tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông đúng phiên giao dịch mà VN-Index có thời điểm giảm hơn 80,85 điểm. Thừa nhận, hoạt động kinh doanh không tránh khỏi phụ thuộc vào diễn biến thị trường, song CEO của VNDirect vẫn tin tưởng, Công ty có thể thực hiện được kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, thực tế “xám” hơn nhiều. VN-Index đóng cửa ngày 30/12/2022 đạt 1.007,09 điểm, giảm 32,8% so với thời điểm 31/12/2021. HNX-Index và UPCOM-Index lần lượt giảm 56,7% và 36,4%. Thanh khoản thị trường năm 2022 đạt đỉnh vào tháng 3, với mức 32.424 tỷ đồng/phiên, giảm xuống 16.249 tỷ đồng/phiên vào tháng 12. Giá trị thanh khoản bình quân phiên giảm 24,67% so với năm 2021.

Không riêng mảng nghiệp vụ môi giới và cho vay ký quỹ bị ảnh hưởng khi thị trường diễn biến tiêu cực, các hoạt động tư vấn phát hành cũng “đóng băng” do hoạt động phát hành cổ phiếu trên thị trường sơ cấp, chào bán trái phiếu hay IPO doanh nghiệp đều ít được thực hiện trong năm vừa qua.

Thống kê trên 70 công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022, hơn 20 doanh nghiệp báo lỗ. Chỉ khoảng 10% công ty chứng khoán tăng trưởng lợi nhuận và chủ yếu nằm ở nhóm có quy mô vốn nhỏ hoặc vừa đổi chủ, “thay máu” cổ đông.

Thận trọng kế hoạch 2023

Thời điểm hiện tại, khi mùa đại hội cổ đông đang đến gần, các công ty chứng khoán cũng bắt đầu công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Điểm chung của các bản kế hoạch này là đặt mục tiêu thận trọng.

Theo phương án kinh doanh của VDSC, chỉ số VN-Index dao động trong một phổ khá rộng, từ 930 đến 1.270 điểm. Còn kế hoạch lợi nhuận của VCSC được xây dựng trên cơ sở VN-Index dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023.

Sau năm 2022 chỉ hoàn thành gần 70% chỉ tiêu lợi nhuận, mục tiêu của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong năm 2023 tiếp tục “đi lùi”. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6%; doanh thu dự kiến đạt 3.246 tỷ đồng, chỉ tăng 2,8% so với năm 2022.

FPTS cũng dự kiến có năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận âm khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 420 tỷ đồng, giảm hơn 34% so với năm 2022. Tỷ lệ giữa lãi trước thuế trên vốn điều lệ năm 2023 dự kiến giảm còn 19,6%, từ mức 32,7% năm trước.

VDSC là một trong số rất ít công ty chứng khoán đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm 2023, nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp này đã lỗ trước thuế gần 153 tỷ đồng trong năm 2022. Khoản lãi “xông xênh” của năm 2021 giúp VDSC chi trả cổ tức 35% (bằng cổ phiếu) và chia thưởng tỷ lệ 10:1. Tuy nhiên, VDSC sẽ không chi trả cổ tức năm 2022 vì kinh doanh thua lỗ. Mục tiêu lãi năm nay của VDSC là 216,6 tỷ đồng, trả cổ tức trở lại trong năm tới, với tỷ lệ 5%.

Tương tự nhiều công ty chứng khoán đã tăng vốn giai đoạn vừa qua, VDSC vừa tăng vốn gấp đôi ở nửa cuối năm 2022. Áp lực pha loãng khi lợi nhuận chưa thể tăng trưởng tương xứng với tốc độ mở rộng quy mô vốn khiến Công ty khó đề xuất mức cổ tức cao hơn.

Trong khi đó, MBS vẫn giữ được tỷ lệ chi trả cổ tức khá cao cho cổ đông, nhưng đều thông qua phát hành cổ phiếu. Công ty dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 100:12 và chia thưởng tỷ lệ 100:3. Hai năm liền trước, MBS đều trả cổ tức bằng cổ phiếu. Cùng đó, tại ngày giao dịch hưởng quyền nhận cổ tức, MBS đồng thời chốt quyền mua cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu. Quy mô vốn điều lệ của Công ty do vậy cũng đã tăng rất nhanh, từ mức 1.221 tỷ đồng cuối năm 2019, tăng lên hơn 3.800 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

MBS dự kiến lợi nhuận năm 2023 đạt 900 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2022. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, đây sẽ là mức lợi nhuận cao kỷ lục của công ty chứng khoán này, gấp 3,11 lần năm 2019. Dù đánh giá chứng khoán toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương duy trì nền lãi suất cao, nhưng MBS cũng cho rằng, thị trường có thể diễn biến tích cực hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng/giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế khi lạm phát được kiểm soát. MBS nhận định, chứng khoán Việt Nam có thể sớm phục hồi từ quý II/2023.

MBS và FPTS đều bước sang nhiệm kỳ mới của hội đồng quản trị và ban kiểm soát ở năm 2023. Ngoài kế hoạch kinh doanh trình cổ đông, nhân sự cũng sẽ là nội dung nổi cộm của các công ty chứng khoán này ở kỳ họp tới.

Thanh Thủy

Tin khác »