Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - Giải ngân tiếp, dân thở phào

Thời báo ngân hàng | 01/04/2016

Gói vay hỗ trợ nào rồi cũng phải kết thúc, nhưng không vì thế mà người dân có thu nhập thấp hết hy vọng sở hữu được một căn nhà của mình.

 

Nhẹ gánh tâm lý

Câu chuyện xung quanh gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội với đối tượng người thu nhập thấp có được tiếp tục cho giải ngân hay không cuối cùng đã có lời giải đáp.

Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 với lãi suất ưu đãi 5% cho tới khi giải ngân hết, thay vì kết thúc ngày 1/6/2016 như Thông tư 11/2013/TT-NHNN của NHNN quy định.

Trước đó, NHNN đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn cho các khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay, mua, sửa nhà được hưởng lãi suất ưu đãi đến khi hết gói 30.000 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: NHNN đã yêu cầu các NHTM báo cáo rõ việc giải ngân ký kết gói 30.000 tỷ đồng với các chủ đầu tư và người mua nhà. Tới thời điểm này các NHTM đã giải ngân được trên 70%, đến cuối năm 2016 sẽ có thể giải ngân đạt được mục tiêu hết 30.000 tỷ đồng.

Ông Đông cũng cho biết, với người dân đã ký hợp đồng mua nhà với các chủ đầu tư trước 1/6/2016 chưa được giải ngân hết, NHNN đã trình Chính phủ cho phép giải ngân theo hợp đồng đã ký với NHTM với lãi suất ưu đãi hiện nay, đảm bảo cho người thu nhập thấp không gặp khó khăn khi phải trả lãi suất thương mại.

Trên thực tế, việc giải ngân còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ của các dự án nhà ở xã hội. Hiện nay, các chủ đầu tư đang trong quá trình tập trung cao độ hoàn thiện các công trình. Song, trong quá trình triển khai, thực tế không tránh khỏi là sẽ có trường hợp một số chủ đầu tư chậm tiến độ.

Tuy nhiên, “NH không thể làm thay được nhiệm vụ của các bộ, ngành khác cũng như các chủ đầu tư. Chúng tôi chỉ căn cứ vào tiến độ thực hiện tới đâu và cam kết của NH trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ sẽ thực hiện đúng tới đó”, ông Đông nhấn mạnh.

Với bối cảnh thị trường lãi suất huy động đang tăng, nguy cơ kéo lãi suất cho vay tăng theo, nhiều ý kiến lo ngại cho các NHTM sẽ gặp khó khăn khi phải duy trì lãi suất cho vay 5%/năm của gói ưu đãi này.

Tuy nhiên, đại diện NHNN cho biết, chuyện này không ảnh hưởng nhiều tới các NHTM. Bởi khi các NHTM chấp nhận giải ngân với lãi suất thấp, thì phía NHNN cũng sẽ tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn cho các NHTM tham gia chương trình, đảm bảo cho các nhà băng có chi phí bù đắp hoạt động, không ảnh hưởng tiềm lực tài chính của NHTM.

Nối dài ưu tiên người thu nhập thấp

Gói vay hỗ trợ nào rồi cũng phải kết thúc, nhưng không vì thế mà người dân có thu nhập thấp hết hy vọng sở hữu được một căn nhà của mình. Thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội thì trong đó, Chính phủ đã giao cho NHNN chủ trì, ban hành Thông tư 25 về chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

NHNN đã giao cho 4 NHTM Nhà nước tham gia vào chương trình này. Hiện nay, NHNN đã trình Chính phủ xem xét lãi suất vay ưu đãi, đồng thời xin ý kiến các bộ có liên quan chấp thuận phương án mà NHNN đề xuất.

Với mong muốn để người dân có thu nhập thấp cải thiện được nơi sinh hoạt, NHNN cũng đã chỉ đạo NH Chính sách xã hội (NHCSXH) xây dựng quy trình, quy chế trình Chính phủ về nguồn lực cũng như lãi suất thực hiện chương trình này. Theo đó, người dân thu nhập thấp tiếp tục được vay vốn với lãi suất ưu đãi trong thời hạn dài, đảm bảo được sở hữu căn hộ của mình phù hợp với thu nhập.

Theo Nghị định 100 cũng như Thông tư 25 và các văn bản khác của NHNN đối với các NHTM thì việc cho vay mua nhà ở cho người thu nhập thấp là chương trình dài hạn, được phân bổ căn cứ vào nguồn lực của Nhà nước qua từng thời kỳ để đảm bảo người thu nhập thấp được sở hữu căn hộ phù hợp với điều kiện của mình.

Có thể thấy rằng khách hàng vay theo gói 30.000 tỷ đồng hay Nghị định 100 có sự khác biệt, nhưng không lớn. Và mục đích cao nhất của các chương trình này, đều nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống.

Trong Nghị định 100 có quy định rõ: Lãi suất tham gia cho vay theo Nghị định 100 tối đa không quá 50% lãi suất bình quân cho vay trung, dài hạn của NHTM trong từng thời kỳ. Hiện nay, theo tính toán của NHNN, lãi suất bình quân cho vay trung, dài hạn của các NHTM là khoảng 10,1% - 10,2%. Trong từng thời kỳ, lãi suất thị trường có thể lên, xuống nhưng đây là mức ưu đãi tối đa không quá 1/2 so với lãi suất thương mại bình thường.

Như vậy, căn cứ vào mức lãi suất như trên và khả năng thu nhập của người thu nhập thấp, NHCSXH sẽ phải tính toán thời gian vay vốn phù hợp chứ không cố định thời gian cụ thể, đảm bảo hỗ trợ tối đa với người thu nhập thấp.

Điểm khác biệt nữa giữa gói vay 30.000 tỷ đồng và cho vay theo Nghị định 100 là đối tượng thụ hưởng. Giải thích thêm vấn đề này, ông Đông cho biết, trong gói 30.000 tỷ đồng có hai dạng đối tượng: Thứ nhất, là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang... và thứ hai là người thu nhập thấp của xã hội.

Gói 30.000 tỷ đồng ra đời trong giai đoạn thị trường BĐS đóng băng, nên Chính phủ mong muốn có “chất xúc tác” kích cầu BĐS, giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Do đó, một bộ phận chủ đầu tư đã đầu tư nhà ở thương mại sẽ được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội với giá cả hợp lý.

Còn với chương trình của Nghị định 100 được xác định từ đầu là các dự án nhà ở xã hội, đối tượng vay là người thu nhập thấp chứ không phải gói chung, đại trà như gói 30.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia đánh giá, sự việc xung quanh gói 30.000 tỷ đồng vừa qua là bài học thực tế mà mỗi cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện phải rút ra kinh nghiệm. Theo đó, trong phạm vi xây dựng các khung khổ pháp lý, khuôn khổ xây dựng chính sách sẽ phải có những sự chuẩn bị kỹ càng hơn, quy định đối tượng rõ ràng. Đặc biệt, khi chính sách có liên quan tới các bộ, ngành khác cần có sự trao đổi, thống nhất cao ngay từ đầu, tránh việc đi vào thực tiễn có những vướng mắc nảy sinh gây ra chậm trễ, hiểu lầm trong quá trình triển khai thực hiện…

Ở vị trí của mình, ông Đông cho rằng, một khi đã ban hành các cơ chế, chính sách điều quan trọng là sự nhất quán, triển khai đồng bộ, hạn chế tối đa trường hợp chính sách bị ngắt quãng.

Khuê Nguyễn

Tin khác »