Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Ngành giấy cần hỗ trợ để chủ động trong sản xuất

TTXVN/Vietnam+ | 23/11/2011

Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết hiện nay đa số doanh nghiệp ngành giấy còn phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu.

 

Chiều 22/11, tại Hà Nội, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Viện Công nghiệp giấy và Xenlulô đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia cho dự thảo “Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025.”

Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết hiện nay đa số doanh nghiệp ngành giấy còn phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu.

Nếu các dự án đầu tư vào ngành giấy được triển khai theo tiến độ và kế hoạch, toàn ngành sẽ đạt khoảng 2,8 triệu tấn/năm. Với nhu cầu tiêu dùng nội địa khoảng 2,2 triệu tấn, có khả năng ngành giấy sẽ dư thừa bột giấy để xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành giấy vẫn còn nhiều rào cản lớn. Thứ nhất là sự hỗ trợ của Nhà nước chưa rõ ràng, cào bằng giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ; địa điểm xây dựng nhà máy giấy lại càng khó khăn do các địa phương từ chối vì sợ ô nhiễm môi trường.

Đây là hệ lụy của việc nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa với công nghệ sản xuất giấy lạc hậu, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đúng mức. Rào cản thứ hai là vốn đầu tư. Nếu xây dựng nhà máy với vốn đầu tư thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về công nghệ.

Cũng theo ông Bảo, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay chỉ lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, đòi hỏi nhà sản xuất không chỉ cần vốn mà cả kinh nghiệm. Với ngành giấy, nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm, dù lắp xong máy nhưng đến 1, 2 năm sau vẫn chưa hoạt động được vì còn phải chỉnh sửa các chỉ số. Khó khăn chồng chất, nhiều nhà sản xuất đã phải gồng mình để duy trì sản xuất. Trước tình hình giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đẩy giá sản phẩm cao hơn giá giấy nhập khẩu.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất căng thẳng trong việc xem xét lại kế hoạch giảm tiêu hao nguyên liệu, xây dựng mức tăng giá phù hợp để vừa có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, vừa giảm bớt nhập siêu, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước, nhất là trong việc đầu tư trồng rừng, xây dựng nguồn nguyên liệu.

Theo đại diện Viện Công nghiệp Giấy và Xenlulô, với tổng vốn đầu tư mới và đầu tư mở rộng đến năm 2015 là 12.897 tỷ USD, ngành công nghiệp giấy Việt Nam sẽ đạt công suất các nhà máy bột giấy là 3,5 triệu tấn/năm và công suất các nhà máy giấy là 10,5 triệu tấn/năm thì đủ sức đáp ứng cho việc sản xuất 5,8 triệu tấn giấy phục vụ 80-83% nhu cầu thị trường trong nước.

Cùng đó, quy hoạch điều chỉnh đã phát huy được lợi thế nhiều vùng, miền trên cả nước, đặc biệt là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện phát triển kinh tế qua việc tham gia trồng cây nguyên liệu giấy.

Trong quy hoạch, các vùng Trung tâm Bắc Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, Thanh Hóa, duyên hải miền Trung, Tây nguyên, miền Nam… đã được chú ý đầu tư phát triển cả vùng nguyên liệu và công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, qua đó sẽ tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn nông dân miền núi góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công ngiệp ngày càng tăng.

Vì thế, phương án này được lựa chọn là phương án có mức tăng trưởng khá cao, phù hợp với mức khả năng đầu tư của ngành công nghiệp giấy Việt Nam, phù hợp với mức tăng trưởng chung của cả nước, đồng thời đây cũng là phương án có khả năng thực thi.

Tuy nhiên, do giấy là mặt hàng đặc biệt mang tính chất xã hội cao, đối tượng hưởng thụ lớn, có những đặc trưng riêng của công nghệ, dây chuyền thiết bị, quá trình sản xuất và quá trình đầu tư. Vì vậy, các chuyên gia ngành giấy và Hiệp hội đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp này để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất và chế biến bột giấy thông qua các dự án đầu tư 100% vốn của nước ngoài, liên doanh, liên kết…

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy. Đặc biệt Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ gia đình đưa giống mới, năng suất cao vào trồng rừng nhằm nâng cao năng suất rừng trồng, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm hàng hóa có sức cạnh tranh./.

Uyên Hương

Tin khác »