Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

"Tấm Khiên" phòng thủ mới của Sacombank

ĐTCK | 29/02/2012

Nhóm cổ đông ủy quyền cho Eximbank khó có thể mau chóng đạt được những điều đề nghị trong công văn gửi tới HĐQT Sacombank.

 

Trạng thái “đối đầu” giữa Eximbank - Sacombank chưa phát sinh các tình tiết mới, nhưng mổ xẻ sâu hơn, giới chuyên môn đánh giá: chưa kể các biện pháp phòng vệ, về mặt pháp lý, nhóm cổ đông ủy quyền cho Eximbank khó có thể mau chóng đạt được những điều đề nghị trong công văn gửi tới HĐQT Sacombank.

100 triệu cổ phiếu quỹ: Tấm khiên phòng thủ mới

Vào đầu tháng 1/2012, Sacombank hoàn tất đợt mua vào 100 triệu cổ phiếu quỹ. Theo quy định, Ngân hàng chỉ có thể bán ra số cổ phiếu này sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt mua lại gần nhất. Tuy nhiên, khoản 3 Điều II Thông tư số 18/2007/TT-BTC (hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng) quy định, trường hợp cổ phiếu quỹ được dùng phân phối cho người lao động hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng thì không bị ràng buộc bởi giới hạn thời gian 6 tháng.

Như vậy, việc Sacombank phân phối cổ phiếu quỹ ngay cho CB-CNV không phải không thực hiện được, nếu xây dựng được phương án hợp lý và được cơ quan chức năng chấp thuận. Một lãnh đạo của Sở GDCK TP. HCM cho biết, nếu Sacombank được phép thực hiện thì số cổ phiếu này trở thành cổ phần bình thường, không bị hạn chế về các quyền lợi phổ thông trong ĐHCĐ sắp tới.

Trong công văn gửi tới HĐQT Sacombank, Eximbank tuyên bố nhận được ủy quyền của nhóm cổ đông chiếm đa số, trên 51% cổ phần Sacombank có quyền biểu quyết (số cổ phiếu quỹ hiện nay không được tính). Nếu Sacombank phân phối số cổ phiếu quỹ cho CB-CNV, số cổ phần có quyền biểu quyết trong ĐHCĐ sắp tới tăng lên, khiến tỷ lệ biểu quyết của nhóm cổ đông lớn giảm xuống. Đồng thời, không khó để suy đoán, với một vài giải pháp kỹ thuật, HĐQT Sacombank có thể nhận được sự ủy quyền từ số cổ phần này. Các nguồn tin riêng của ĐTCK cho biết, “số phận” 100 triệu cổ phiếu quỹ của Sacombank đang được nghiêm túc xem xét và đang chờ quyết định từ các cơ quan quản lý. Khoảng cách chênh lệch giữa các lá phiếu biểu quyết sắp thu hẹp!

Thay thế HĐQT Sacombank: Không dễ

Nếu như các chuyên gia M&A nhìn nhận 100 triệu cổ phiếu quỹ của Sacombank có thể sắp tới sẽ đóng vai trò “tấm khiên” phòng thủ cho các cổ đông sáng lập, thì giới luật sư lại đang quan tâm mổ xẻ cuộc đối đầu hiện nay dưới góc độ pháp lý. Theo đó, nếu Sacombank không triệu tập ĐHCĐ, nhóm cổ đông lớn, Eximbank và các cổ đông ủy quyền nắm tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chiếm 51% và trong số này ít nhất có nhóm cổ đông sở hữu trên 10% liên tục trong vòng 6 tháng có quyền yêu cầu triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường. Câu hỏi đặt ra, nếu triệu tập ĐHCĐ bất thường nhóm cổ đông này có được bãi nhiệm các thành viên HĐQT hiện nay của Sacombank hay không?

Điều lệ hoạt động của Sacombank quy định: “ĐHCĐ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ sung thành viên HĐQT phải phù hợp với điều lệ và Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD)”. Theo Luật Các TCTD và điều lệ của Sacombank, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ sung thành viên HĐQT thông qua tại ĐHCĐ khi được số cổ đông đại diện trên 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận, trừ một số trường hợp khác yêu cầu tỷ lệ 65% như sửa đổi điều lệ, sáp nhập ngân hàng, thay đổi mức vốn điều lệ, chào bán cổ phần…

Tuy nhiên, đọc kỹ hơn sẽ thấy, Điều lệ Sacombank có thêm quy định rằng, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQT khi thành viên HĐQT xin từ chức, không tham gia HĐQT trong 6 tháng, hạn chế năng lực hành vi dân sự, không đáp ứng về điều kiện theo quy định tại Điều 41 và 42 tại Điều lệ Sacombank.

Theo đó, Điều 41 và 42 Điều lệ Sacombank quy định, thành viên HĐQT bị bãi miễn khi không đáp ứng được “đạo đức nghề nghiệp”. Trong thực tế, đây là khái niệm khá mơ hồ, các văn bản pháp lý hiện nay chưa định nghĩa rõ ràng. Vì vậy, muốn phế truất HĐQT của Sacombank, nhóm cổ đông lớn phải chứng minh các thành viên HĐQT không đáp ứng được đạo đức nghề nghiệp. Trong khuôn khổ pháp luật hiện nay, việc thu thập bằng chứng và ai là người phân xử sẽ gặp nhiều trở ngại.

Luật pháp Việt Nam quy định, luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với luật chung, cụ thể trong trường hợp này là Luật Các TCTD và Điều lệ Sacombank. Tuy nhiên, có thể nhóm cổ đông lớn sẽ vận dụng Luật Doanh nghiệp để loại bỏ các thành viên HĐQT Sacombank hiện tại. Điều 115 Luật Doanh nghiệp quy định ĐHCĐ có thể bãi nhiệm thành viên HĐQT bất cứ lúc nào theo quyết định của ĐHCĐ, nhưng Luật Các TCTD không đề cập đến vấn đề này. Khi đó, nhiều khả năng HĐQT Sacombank sẽ tiến hành đáp trả bằng một cuộc chiến pháp lý!

 

 

Giang Thanh

Tin khác »